Mỹ: Tổng thống nhượng bộ Quốc hội về vấn đề Iran

17-04-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp thuận dự luật cho phép Quốc hội có quyền xem xét và có ý kiến về thỏa thuận hạt nhân Iran hiện đang được đàm phán.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp thuận dự luật cho phép Quốc hội có quyền xem xét và có ý kiến về thỏa thuận hạt nhân Iran hiện đang được đàm phán.

Mục tiêu của Teheran là duy trì quyền được sử dụng hạt nhân.

Theo đó, để có hiệu lực, dự luật phải được bỏ phiếu tại Thượng viện. Nếu đạt được 67 phiếu thuận trong tổng số 100 Thượng nghị sĩ thì Tổng thống không có quyền phủ quyết văn bản này. Như vậy, theo dự luật này, Quốc hội lưỡng viện Mỹ được quyền có ý kiến về thỏa thuận đang đàm phán giữa Iran và nhóm cường quốc G5 1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) nhưng không đòi Tổng thống phải bảo đảm là chính quyền Teheran không khuyến khích các hành động khủng bố nhắm vào nước Mỹ. Mặt khác, chính quyền Obama phải thường xuyên thông báo với Quốc hội về chương trình hạt nhân và chế tạo vũ khí đạn đạo của Iran. Dự luật do Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện đưa ra, theo đó, các nghị sĩ Mỹ được quyền xem xét trong vòng 60 ngày các nội dung thỏa thuận ký với Iran. Trong suốt thời gian hai tháng này, chính quyền không được đưa ra bất kỳ biện pháp giảm nhẹ cấm vận nào đối với Iran. Sau các đàm phán thương lượng, thời hạn nói trên được rút xuống còn 30 ngày. Ngày 14/4, Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật. Do vậy, Nhà Trắng lúc đầu phản đối đã chấp nhận văn bản nói trên. Theo phía đảng Cộng hòa, sở dĩ Tổng thống Obama đã thay đổi vì có nhiều Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cũng ủng hộ dự luật.

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố, Teheran chỉ ký thỏa thuận về hạt nhân với nhóm cường quốc 5 1 với điều kiện tất cả các trừng phạt nhắm vào Iran phải được bãi bỏ trong cùng ngày. Tổng thống Hassan Rohani khẳng định: “Chúng ta sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào nếu các trừng phạt không được bãi bỏ trong cùng ngày... Chúng ta muốn có một thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên liên quan”. Lãnh đạo Iran nhấn mạnh: Mục tiêu của Teheran trong các cuộc thảo luận (với các cường quốc) là duy trì quyền được sử dụng hạt nhân của Iran. Tuần trước, Iran và nhóm G5 1 đã ký tại Lausanne (Thụy Sĩ) một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Teheran. Các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục từ đó cho đến ngày 30/6 để có thể ký được một thỏa thuận cuối cùng, cho phép bãi bỏ tất cả các cấm vận được thi hành từ nhiều năm qua đối với Iran. Tuy nhiên, ngay sau ký thỏa thuận khung, Mỹ và Iran đã có những diễn giải khác nhau về một số điểm trong văn bản này, như lịch trình bãi bỏ cấm vận.

Iran đòi bãi bỏ tất cả các cấm vận kinh tế của Liên hợp quốc, Mỹ và Eu cùng một lúc với việc ký kết thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Teheran. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố là nhịp độ xóa bỏ cấm vận là một trong những chủ đề cần tiếp tục thương lượng. Mỹ và châu Âu có thể làm chủ được lịch trình bãi bỏ cấm vận đối với Iran, nhưng việc xóa bỏ các nghị quyết của Liên hợp quốc về trừng phạt Iran đòi hỏi nhiều thời gian. Bởi vì các nghị quyết của Liên hợp quốc dựa trên báo cáo điều tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Như vậy, Liên hợp quốc chỉ có thể ra nghị quyết xóa bỏ trừng phạt Iran dựa trên báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và văn bản này phải được thảo luận và quyết định trong cuộc họp của các Thống đốc.

(Theo CNN)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn