Di Li là một người ham viết và luôn cố gắng đa dạng ngòi bút của mình. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn đến hồi ký, chị luôn cố gắng thể hiện cái “chất” của riêng mình. Người đọc cảm nhận trong trang viết của chị sự độc đáo của một cá tính sắc sảo nhưng vẫn rất dí dỏm và hài hước. Là một giáo viên Anh ngữ, đồng thời là một nhà văn và là người đam mê ẩm thực, Di Li đã có cơ hội tới nhiều vùng đất ở Việt Nam và thế giới. Để thỏa lòng mong mỏi của độc giả, mới đây, Di Li cho ra mắt 2 cuốn tùy bút ẩm thực với nhan đề Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà. Hai cuốn sách đã ghi lại những trải nghiệm chân thực và đầy dí dỏm của Di Li trên bàn ăn trong những chuyến đi xa và cả khi sống trong lòng Hà Nội thân quen.
Không khó để nhận thấy ở Việt Nam, đã có không ít sách về ẩm thực, nhưng chủ yếu là dạy nấu ăn... Nhưng, sách viết về ẩm thực, mà gợi cảm về cái thú của sự ăn có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay hoặc của những nhà văn thuở trước. Bởi ăn, đâu chỉ là khoái khẩu và chỉ nhằm cho no lúc đói. Ăn ngon, là phải biết bằng nhiều giác quan thưởng thức các thực phẩm, gia vị được chế biến qua tài năng của các đầu bếp theo đúng chuẩn mực ẩm thực bản địa, qua đó, cảm nhận được hồn cốt văn hóa ẩm thực của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Theo Di Li, “phong cách ẩm thực luôn gắn liền với thổ nhưỡng, địa lý, tôn giáo và tính cách dân tộc, nên thông qua ẩm thực, người ta có thể đọc ra được nhiều mã số văn hóa và lịch sử của dân tộc đó”.
Bộ đôi sách ẩm thực của Di Li vừa ra mắt độc giả.
Tình yêu bất tận với những món ăn quê nhà
Tham công tiếc việc nhưng Di Li không phải là tuýp người chịu trói mình bên chiếc bàn làm việc trong văn phòng ngột ngạt. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã từng nói vui: “Phải phong cho Di Li danh hiệu: Nữ nhà văn đi chơi nhiều nhất Việt Nam”. Từ Rome hoa lệ và cổ kính đến sa mạc Sahara đầy nắng gió, đều đã ghi dấu bước chân của chị. Trong mỗi chuyến đi, nền ẩm thực phong phú và lạ mắt của những miền đất lạ luôn cuốn hút nữ nhà văn Hà thành. Là một người nấu ăn ngon và khá sành ăn, Di Li có những cảm nhận tinh tế về những “thức ngon vật lạ” mà mình đã được nếm thử trên đường du hí.
Nhà văn Di Li đã từng thổ lộ rằng: Chị đã nếm nhiều món ngon từ Âu đến Á, nhưng ngon nhất vẫn là đồ ăn Việt. Nhà văn đã rất háo hức khi lần đầu nếm thử các món Ấn Độ, hay đồ ăn của phương Tây, nhưng chúng vẫn không sánh được với cái tinh túy mà dân dã của những món ăn quê nhà. Phải chăng trong tô canh chua đậm đà, hay chén nước chấm cay cay có cả tình yêu xứ sở.
Tập bút ký Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa là những chia sẻ giản dị và dí dỏm về những món ngon khắp mọi miền đất nước. Từ mùi thơm quyến rũ của hoa hồi, thảo quả hòa với vị ngọt nước xương bò, cái mềm mượt của miếng thăn chín tái. Người ta đâu có dễ quên những ngọt lành của biển cả hòa lẫn cùng mùi thơm của hành, răm trong bát cháo nghêu ở vùng biển miền Trung nhiều nắng gió.
Dưới mỗi nếp nhà, để có được bữa cơm ngon lành, tươm tất, người ta đâu thể quên bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Đến làng cổ Đường Lâm, ăn một bữa “cỗ quê” giản dị với con gà luộc vừa đúng độ, cùng đĩa rau muống giòn sần sật, chấm cùng tương đỗ ủ trong chum để ngay sân nhà, người ta mới thấm thía điều đó. Chúng thanh đạm mà ngon lành quá đỗi.
Miếng ngon xứ người
Di Li tâm sự: Trong những cuộc du hí đến xứ sở xa xôi, người ta có thể quên đi cảnh đẹp lướt qua tầm mắt, nhưng sẽ nhớ mãi những món ngon từng khiến vị giác được một phen sửng sốt. Cuốn sách Nửa vòng Trái đất uống một ly trà đã ghi lại những xúc cảm tuyệt vời đó.
Bữa cơm của người Nhật không có quá nhiều thịt thà, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để ăn miếng thịt bò ngon nhất. Đó là lý do vì sao thịt bò Kobe lại đắt đỏ đến thế. Ẩm thực của đất nước mặt trời mọc chuộng sự thanh đạm và không có quá nhiều gia vị. Nhưng cái ngọt mềm như tan trong miệng của miếng thăn bò trứ danh thì không cần quá nhiều gia vị để ve vuốt. Tham lam quá đôi khi làm hỏng mất món ngon.
Trong cơn đói, con người ta cũng “dễ tính” hơn, không đòi hỏi cầu kỳ. Thế nên để cảm nhận vị ngon trọn vẹn của một món ăn nơi xa lạ. Đừng vội đánh giá khi vừa đặt chân xuống mặt đất. Hãy nghỉ ngơi, thăm thú cảnh quan và thong thả tìm cho mình một quán ăn ngon rồi từ từ thưởng thức. Ăn uống cũng là một việc cần ít nhiều dũng cảm. Ở xứ ta, cá trích thường được nấu với gia vị cho hết mùi tanh. Thế nhưng khi đến Rotterdam, bạn sẽ được ăn thử món cá trích sống, món ăn khiến không ít du khách rùng mình. Ẩm thực cũng là một thử thách, để con người ta nhận ra rằng: thế giới có bao điều mới mẻ và khác biệt đang chờ ta đón nhận và khám phá.
Trong Nửa vòng Trái đất uống một ly trà, tác giả đã cho người đọc lang thang qua trang sách để nếm biết bao thứ trà ngon. Từ trà Ô Long trứ danh của Trung Hoa, đến trà Ấn Độ được pha lẫn nhiều gia vị. Đến Thổ Nhĩ Kỳ, chắc các bạn sẽ ngạc nhiên với ấm trà 2 tầng độc đáo nơi đây. Nếu có dịp ghé thăm Maroc, hãy nếm thử một ly trà bạc hà thơm ngọt. Ẩm thực không chỉ là sự hòa quyện của nguyên liệu và gia vị. Trong những món ăn ngon khiến người ta phải trầm trồ còn có những câu chuyện thú vị về văn hóa. Nếm thử những sản vật của một vùng đất xa xôi là cơ hội để bạn hiểu thêm về con người nơi đó. Thế nên, đừng ngần ngại trước những món ngon xa lạ!
Đọc hai tập bút ký ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà, độc giả gặp lại một Di Li quen thuộc, hóm hỉnh và luôn biết cách tạo bất ngờ. Câu văn dù có chau chuốt nhưng người ta vẫn cảm thấy trong đó sự gần gũi, như thể đang cùng một người bạn la cà quán xá nếm thử các món món rồi hàn huyên những câu chuyện cũ. 107 câu chuyện về ẩm thực trải dài qua 650 trang sách của Di Li là sự tổng hòa những cảm nhận của chị về văn hóa ẩm thực ở những nơi đặt chân tới, trong đó phần lớn được ghi lại từ ký ức xa xưa.
Nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét: “Di Li viết tinh tế, bài bản, sâu sắc, và hài hước nữa. Kể chuyện cứ như chơi. Cái món du ký ẩm thực ấy, nếu không hiểu biết sâu và rộng để mà liên tưởng, mà so sánh món này món kia, xứ này xứ kia, người này người kia... như kiểu vừa nêm gia vị cho hợp khẩu lại vừa trình bày món ăn cho bắt thị giác ấy, thì chỉ là tả lại món ăn theo một cách rất thô. Nhưng Di Li đã biến nó thành những bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa, để trở thành một thiên đường lộng lẫy. Viết về cà ri Ấn Độ, thì có phải là cà ri nữa đâu, mà đã vượt lên khỏi cà ri, là văn hóa, vượt lên cả văn hóa, nó là những bí ẩn chưa giải mã mà con người luôn luôn thèm khát kiếm tìm”.