Hà Nội

Mỹ thuật Việt Nam: Chờ sức trẻ?

01-02-2016 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mỹ thuật Việt Nam vẫn không ngừng được mở rộng, phát triển cả về số lượng nghệ sĩ và tác phẩm, qua đó lan tỏa những giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong cộng đồng xã hội.

Mỹ thuật Việt Nam vẫn không ngừng được mở rộng, phát triển cả về số lượng nghệ sĩ và tác phẩm, qua đó lan tỏa những giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên có một nghịch lý, tỉ lệ người dân nước ta có nhu cầu thưởng thức tác phẩm mỹ thuật lại thấp hơn hẳn so với ca nhạc, điện ảnh, sân khấu và văn học. Và do đó, nhiều người kỳ vọng thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ lật ngược tình thế?

Nhiều trăn trở

Theo một thống kê do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) thì hiện nay, khoảng 40% dân số Việt Nam có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng loại hình ca nhạc.Trong khi đó nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân trong 3 loại hình nghệ thuật là mỹ thuật, nhiếp ảnh và múa chỉ có 10%. Con số này rất thấp so với thế giới, nhất là đối với loại hình mỹ thuật không được quan tâm, xem trọng như trên thế giới.

Nhiều tác phẩm mỹ thuật của giới trẻ được đánh giá cao.

Đối với nền mỹ thuật, trong năm qua chúng ta đã có một ngày hội lớn là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 - sự kiện 5 năm tổ chức/lần, đó thật sự là ngày hội tổng kết một chặng đường mỹ thuật nước nhà trong khoảng thời gian nhất định. Và các chuyên gia về lĩnh vực mỹ thuật nhận thấy rằng, bên cạnh những mặt tích cực mà các nghệ sĩ đã đem lại cho nền mỹ thuật thì chúng ta vẫn còn khá nhiều mặt hạn chế. Bởi thế, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đã có rất nhiều tác phẩm với hình thức và ngôn ngữ mới từ triển lãm lớn nhất cả nước vừa qua, nhưng hầu hết còn chưa chín muồi, những tác giả lớn tuổi vẫn chiếm một vị thế về sáng tác có chiều sâu. Đó là chưa kể, nền giáo dục mỹ thuật của nước ta hiện nay đáng báo động, bởi hầu như công chúng phổ thông không biết cách thưởng thức tác phẩm mỹ thuật. Chính kỹ năng thưởng thức mỹ thuật yếu kém dẫn đến tình trạng sao chép tranh, đánh tráo các giá trị nghệ thuật tại hầu hết các sàn nghệ thuật của nước ta đã từng xảy ra thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương (Phó Trưởng khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), nếu nhìn qua đời sống mỹ thuật nước ta trong 5 năm qua thì thấy các tác phẩm chất lượng không đồng đều, nhiều tác phẩm vẫn là những sáng tác với hình thức ít thay đổi như một số tác phẩm chất liệu gỗ. Đồng thời, một số tác phẩm sử dụng hình thức cũng như chất liệu còn tùy tiện, số ít tác phẩm trừu tượng hoặc bán trừu tượng mang ngôn ngữ trang trí còn nặng những biểu hiện chung chung, mờ nhạt về hình thái cũng như ý tưởng tạo hình.

Đặc biệt, theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh, thời điểm này mỹ thuật nước ta đang gặp hai vấn đề lớn không đơn giản để tháo gỡ. Đó là mỹ thuật Việt Nam chưa thật sự được ủng hộ và tạo điều kiện phát triển của xã hội. Và chính điều đó dẫn đến mặt tồn tại thứ hai khi chúng ta chưa có được thị trường mỹ thuật ở trong nước.

Hứa hẹn ở thế hệ trẻ?

Dù rằng còn bộc lộ nhiều “căn bệnh” trong việc thể hiện, quá trình sáng tạo nên các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ trong nền mỹ thuật nước ta như đã nói trên, nhưng mỹ thuật Việt Nam đang rất hứa hẹn với thế hệ trẻ.

Theo nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, chúng ta đang có rất nhiều tác giả luôn luôn tìm tòi sáng tạo và kiên trì theo hướng sáng tác của mình, đã tạo được những thành công nhất định, phần nào thể hiện được tính chuyên nghiệp từ phương thức, định hướng sáng tác cá nhân đến sự vững chắc về kỹ thuật, kỹ năng. Ưu điểm lớn nhất của các tác giả trẻ là luôn muốn thoát ra khỏi những gì là thói quen trong quan niệm cũng như trong hình thức biểu hiện tác phẩm của thế hệ trước, cho dù là một vòng quay xoắn ốc đi lên hay đi xuống, với hình thức cổ điển cũng như hiện đại. Cùng với đó, nhiều tác giả trẻ hiện nay có quan điểm hay xúc cảm cá nhân luôn được tập trung đề cao trong biểu hiện tác phẩm. “Cái mới của lớp trẻ có lẽ là dám nghĩ, dám làm, dám phản biện song vẫn cần hoàn thiện hơn nữa” - họa sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, về ngôn ngữ thể hiện trong các tác phẩm mỹ thuật của nghệ sĩ trẻ hiện nay, PGS. Họa sĩ Lê Anh Vân (Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, lớp trẻ đã thể hiện một khả năng làm việc ngày càng chuyên nghiệp, chịu khó tìm tòi, học hỏi và nâng cao tay nghề. Điều đó hứa hẹn trong tương lai, nền mỹ thuật nước nhà sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc, được công chúng đón nhận và quan tâm.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn