Có thể nói, sự tác động của công nghệ đối với lĩnh vực nghệ thuật ngày càng sâu sắc đã làm cho ngành mỹ thuật đa phương tiện phát triển. Điều đó lý giải vì sao ngành mỹ thuật đa phương tiện lại có một con đường phát triển nhanh và dễ đến thế. Nhưng con số và tốc độ chưa hẳn đã mang đến sự thành công cho ngành này.
Nghề “hot”
Mỹ thuật đa phương tiện là việc tạo ra các sản phẩm đồ hoạ mỹ thuật dưới dạng số hoá bằng các phần mềm chuyên dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Hầu hết các sản phẩm truyền thông (quảng cáo, truyền hình, internet…) và giải trí hiện đại (game, điện ảnh, phim hoạt hình…), đặc biệt là lĩnh vực thiết kế 3D ngày nay đều là sản phẩm của mỹ thuật đa phương tiện.
Theo giới chuyên môn, mỹ thuật đa phương tiện được coi là sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ hoạ mỹ thuật và công nghệ phần mềm (đồ hoạ máy tính), sự hoà trộn giữa một nghệ sĩ và một chuyên gia máy tính. Sản phẩm là các thiết kế hình ảnh, âm thanh mang tính mỹ thuật tinh tế, hiện đại được cảm thụ bằng mắt, tai và các giác quan.
Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, nghề này đã trở nên cực “hot” vì sự mới mẻ, thú vị, lương cao (đối với những họa sĩ giỏi). Đến nay, mỹ thuật đa phương tiện vẫn là 1 trong 5 nghề được giới trẻ săn đón nhất. Vấn đề đào tạo ngành mỹ thuật đa phương tiện ngày càng được chú trọng. Thế giới sản phẩm của mỹ thuật đa phương tiện càng ngày càng trở nên đa dạng và phong phú khi công nghệ 3D đang bùng nổ khiến cho tất cả các công ty sản xuất đồ điện tử có sản phẩm hiển thị trên màn hình LCD đều bắt đầu chạy đua với một cuộc “cách mạng” mới. Thậm chí, theo các chuyên gia, một vài năm nữa, nghề này sẽ còn “hot” hơn khi ngay cả các bảng hiệu đơn giản trên đường phố cũng sẽ hiển thị ra không gian ngay trước mắt bạn. Tất cả các sản phẩm hình ảnh sẽ đều được 3D hoá. Bởi vậy, nhu cầu sáng tạo và cơ hội việc làm đối với ngành mỹ thuật đa phương tiện là không có giới hạn.
Nhiều nhưng vẫn... thiếu
Đó là thực trạng về nhân lực của ngành mỹ thuật đa phương tiện tại Việt Nam. Thông thường, những họa sĩ vẽ tay điêu luyện lại khó kiểm soát được các thao tác cầu kỳ, phức tạp trên máy tính khi vẽ. Ngược lại, những họa sĩ vẽ trên máy rất thành thạo thì lại ít có sự rung cảm với màu sắc, hình khối khi vẽ bằng tay. Vì vậy, những người đã, đang và sẽ theo đuổi ngành mỹ thuật đa phương tiện rất nhiều nhưng việc tìm kiếm những họa sĩ giỏi toàn diện lại gặp rất nhiều khó khăn.
Mỹ thuật đa phương tiện là nghề mang tính sáng tạo và đổi mới cao nhưng không phải học viên nào cũng cần phải có năng khiếu thật đặc biệt mới tiếp cận được với nó. Bạn có thể là sinh viên của bất kỳ trường nào, hoặc bạn không phải là sinh viên, thậm chí là học sinh phổ thông, miễn là bạn ham thích đón đầu một cơ hội mới. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là những kiến thức về kỹ thuật sẽ được trang bị khi quyết tâm theo nghề. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lo ngại đối với ngành mỹ thuật đa phương tiện. Với những điều kiện có phần “dễ dãi” trên, có lẽ trong tương lai gần, chúng ta sẽ tiếp tục đón nhận loạt nhân lực giỏi kỹ thuật nhưng năng khiếu mỹ thuật lại... hơi yếu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm.
Cụm từ “ngành học đắt giá” được các chuyên gia gắn cho ngành học mỹ thuật đa phương tiện không phải không có lý do bởi hiện tại, mỹ thuật đa phương tiện đang là ngành học mà nhu cầu về nguồn nhân lực vẫn đang có xu hướng gia tăng mạnh bởi sự linh hoạt và áp dụng thực tế cao mà ngành nghề này đang sở hữu. Sự tăng trưởng mạnh của ngành mỹ thuật đa phương tiện được lý giải rất đơn giản bởi ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào thì phần quảng cáo cũng luôn mang lại hiệu ứng và giá trị cho doanh nghiệp, nó còn mang lại giá trị lớn cho sản phẩm và thương hiệu, do vậy, vai trò của những người thiết kế đồ họa trong các công ty, doanh nghiệp luôn được coi trọng. Nhờ đó mà công việc thuộc khối ngành này mang lại cơ hội phát triển nghề nghiệp lớn cho giới trẻ. Nhưng không ai có thể phủ nhận thực tế, dù rất phát triển, chúng ta vẫn thiếu nhân lực tay nghề cao và giỏi toàn diện.
Theo giới nghiên cứu, lý do khiến ngành này khan hiếm nhân lực chính là các trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện đạt chuẩn quốc tế rất ít trong khi các trường trong nước không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đến nay, một số trường đại học đã kịp bổ sung ngành học mỹ thuật đa phương tiện nhưng chất lượng lại chưa được kiểm chứng. Thế nên, sự phát triển của ngành này tại Việt Nam khá rộng nhưng chưa sâu!
Tùng Lâm