Quan hệ Mỹ Thổ - căng thẳng chưa có điểm dừng
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã sa vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao thực thụ sau khi cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ một công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc trong lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul vì cáo buộc có liên hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc bắt giữ này là hoàn toàn đúng pháp luật và thuộc quyền của Ankara, nhưng Mỹ cho biết đây là hành động vô căn cứ và gây tổn hại cho quan hệ song phương. Ngay lập tức Mỹ đã có động thái đáp trả, ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng lại bằng một quyết định tương tự. Và việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố không coi Đại sứ Mỹ John Bass là đại diện ngoại giao của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ - khi ông chỉ còn vài ngày nữa là hết nhiệm kỳ- đã khiến “giọt nước làm tràn ly”. Đây là hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ hai nước, chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO ngày càng đi vào bế tắc.
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện rạn nứt mới
Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu đây có phải là một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới giữa 2 nước thành viên trong NATO hay không? Thực tế là quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã không “êm ả” từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Trong cuộc đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen, người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, sống lưu vong tại Mỹ.
Sau sự kiện chính trị đó, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước nhưng nhận được cái “lắc đầu” của Washington. Mỹ cho rằng Ankara không đưa ra được bằng chứng cho thấy sự liên can của ông Gulen với cuộc đảo chính. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần lên tiếng cáo buộc Mỹ đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016, thậm chí Mỹ còn ủng hộ phe đối lập – lực lượng ủng hộ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bế tắc trong khủng hoảng ngoại giao Mỹ Thổ?
Để tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng, không phải Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chưa nghĩ tới, nhưng còn quá nhiều vấn đề khác biệt khiến cả hai nước chưa thể có tiếng nói chung. Đơn cử như trên trận chiến Syria, mặc dù là đồng minh trong NATO nhưng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại không đứng cùng một chiến tuyến ở Syria.
Mỹ vẫn ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria với tuyên bố để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) thì bên kia chiến tuyến, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng người Kurd là “lực lượng khủng bố”. Trên chiến trường Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lại “hợp tác” với Nga - quốc gia cũng đang có nhiều căng thẳng ngoại giao với Mỹ. Mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn, bất đồng tiếp bước bất đồng, nhưng đa phần đều rơi vào bế tắc và không có lời giải. Xét về chiến lược, dù căng thẳng thế nào thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược này.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy đồng minh xa nhau hơn. Thổ Nhĩ Kỳ đang toan tính một chiến lược với “người bạn mới” là Nga, quay lưng với NATO, tổ chức từng kết nối với Thổ hơn 60 năm. Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ ký kết mua hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga khiến Mỹ và NATO sôi sục. Theo các nhà phân tích chiến lược, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu một hướng đi mới , muốn có cơ hội chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của mình và giảm phụ thuộc vào người bạn lâu năm - NATO.
Các nhà phân tích cho rằng để giải quyết những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, các giải pháp ngoại giao sẽ được tính đến nhưng chưa đủ. Những mấu chốt trong quan hệ 2 nước sẽ không thể giải quyết “một sớm một chiều”, và bằng một cách. …