Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi ngày 10-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sản phẩm nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50%. Động thái trên của Mỹ diễn ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ thắng trong "cuộc chiến kinh tế".
Phản ứng lại quyết định tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt và sức ép sẽ chỉ gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ tiếp tục đáp trả các mức thuế của Mỹ nếu cần thiết. Phản ứng với động thái trên, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 20% giá trị so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục. Trong một động thái khác cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng quan điểm thù địch của Mỹ đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là không chính đáng. Còn một đại diện của Tổng thống Erdogan cảnh báo Mỹ có nguy cơ mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ tìm đồng minh mới thay thế Mỹ.
Những ngày gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson. Nhằm gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/8/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt và giam giữ linh mục Andrew Brunson. Phản ứng lại quyết định trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “trả đũa” lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Ankara "sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa của Mỹ".
Trong nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng, ngày 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal đã tới Washington để cùng với giới chức Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước đã rơi vào bế tắc.
Trong bối cảnh căng thẳng như trên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ và việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo đáp trả Mỹ sẽ khiến cả hai nước chịu những tác động không nhỏ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tác động có thể nhìn thấy rõ nhất là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, với tỉ giá 6,30 lira/USD vào ngày 10-8. Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là nước sản xuất thép lớn thứ 8 trên thế giới và là nước xuất khẩu thép sang Mỹ lớn thứ 6 sau Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico và Nga. Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến hàng tỉ USD hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng mỗi năm.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Ankara sẽ gây phương hại đến nền kinh tế vốn yếu kém của Thổ Nhĩ Kỳ. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới mức gần 16% hồi tháng 7 vừa qua, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong một động thái mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak cho biết nước này sẽ áp dụng một mô hình kinh tế mới nhằm mang lại phát triển bền vững và dựa trên một "tâm lý chiến lược" với kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng bền vững và phân bổ tài sản công bằng hơn.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 32 của Mỹ và kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2016 là 17,4 tỷ USD, trong khi thương mại dịch vụ cũng có tổng kim ngạch 5 tỷ USD. Đối đầu căng thẳng Mỹ-Thổ hiện nay được cho sẽ tác động đến chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố Ankara có thể tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới nếu nước này không thấy thêm sự tôn trọng và có đi có lại nào trong quan hệ song phương với Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ "chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ" trong khu vực.