Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”. Ông còn nói, hoa hậu Nam Phương - vợ vua Bảo Đại là người ở xứ này. Rồi ông kể, Mỹ Tho đầu tiên là một “Đại phố” buôn bán của bà con bên sông Bảo Định từ năm 1679. Khi người Pháp đến, họ làm con đường sắt chở hàng từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, tấp nập ngày đêm…
Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân.
Thành phố 340 tuổi
Vậy là theo đúng như lịch sử đã ghi, năm 2019, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) vừa tròn 340 năm thành lập. Với tôi, trong ký ức khi về với thành phố, câu thơ của Xuân Diệu đã gợi nhiều câu chuyện ở phía trước: “Mỹ Tho bóng mát đường cây. Nước sông Bảo Định dồn mây với thuyền. Cầu Quay phố xá hai bên. Ta không buôn bán chỉ ghiền văn thơ” (1940). Tự nhiên tôi nghĩ, Mỹ Tho không chỉ là bến chợ, bến sông mà còn hiển hiện trong câu ca dao thu hút lòng người. Tôi đã học được trước khi đến với thành phố rằng: “Mỹ Tho cảnh đẹp người xinh. Quyện lòng du khách gợi tình nước non”. Thực ra, người ta nói cách đây hơn trăm năm, Mỹ Tho chỉ đứng sau Sài Gòn về mọi mặt. Nơi đây còn được coi là trung tâm thương mại lớn nhất Nam kỳ một thuở. Nhất là gạo khắp lục tỉnh dồn về đây rồi chở đi khắp nơi, cung ứng lương thực cho Sài Gòn, còn chở đi tận Campuchia và Thái Lan. Chả thế, trong một diễn ca cổ về Mỹ Tho (Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca) đã mô tả hết sức sinh động, thời kỳ đầu những năm 1900, rất cụ thể: “Buổi mơi, buổi tối, buổi trưa. Tàu đò, xe lửa, rước đưa liền liền. Đầu đường sáu tỉnh mối giềng. Tiệm ăn, tiệm ngủ khỏe yên bộ hành”.
Nói về đường thủy, cả tỉnh Tiền Giang chạy dọc sông Mê Kông ra tận biển Đông nên tàu bè đi lại thuận tiện khắp Nam Bộ. Hơn nữa, Mỹ Tho lại có con sông Bảo Định chạy ngang qua thành phố, tạo nên phố chợ sầm uất với hình ảnh: “Mỹ Tho nguyên tỉnh Định Tường. Phía tiền một dãy, phố phường quá đông. Trên bờ hàng hóa thạnh sung. Dưới sông ghe đậu chật cùng ngoài trong” (Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca). Nói về con đường sắt đầu tiên ở Đông Dương (xây năm 1902) chạy từ Mỹ Tho lên Sài Gòn càng trở nên quan trọng. Chính nhờ con đường sắt này và những tuyến đường bộ đã tạo nên một Mỹ Tho ngày càng mỹ lệ với sự giao lưu văn hóa rộng khắp. Do sự mở rộng kinh tế, giao thương bùng phát, kèm theo sinh hoạt văn hóa văn nghệ phát triển, Mỹ Tho trở thành đất tổ cải lương của miền Nam, xuất phát từ phong trào đờn ca tài tử. Nơi đây đã hình thành rạp cải lương đầu tiên ở kế bên chợ Mỹ Tho. Di tích hơn 100 năm - rạp hát Thầy Năm Tú chính là nơi diễn vở cải lương đầu tiên: “Kim Vân Kiều” với sự xuất hiện của NSND Phùng Há- một nghệ sĩ lừng danh trên đất Mỹ Tho.
Tuy ga xe lửa Mỹ Tho chỉ còn là dấu tích nhưng hiện nay, hàng chục tuyến đường bộ, nhất là đường cao tốc (QL số 1) từ TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Bến Tre đã hình thành nên thuận tiện hơn rất nhiều. Thành phố Mỹ Tho (cấp I), tỉnh Tiền Giang giờ đây là đầu mối thương mại với những đặc sản từ nhiều vùng quê, càng ngày càng xứng đáng với danh hiệu “Mỹ Tho đại phố”. Hơn thế nữa, Mỹ Tho còn là một thành phố anh hùng, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, từ thời Tây Sơn đánh quân Xiêm năm 1785; đến phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp cùng các phong trào Cần Vương bùng nổ suốt hàng chục năm kiên cường. Tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân ngay ngã ba sông Tiền và Bảo Định trên đường 30 tháng Tư. Nơi đây có thể nhìn ra phía Cửa Đại nối biển Đông cuộn sóng. Một cảm xúc khác lạ, chân dung người anh hùng, 3 lần khởi nghĩa, 3 lần bị giặc Pháp bắt với dáng hình bất khuất trên mảnh đất chúng chém đầu ông.
Mỹ Tho cũng là nơi sớm ra đời những chi bộ đảng, vào tháng 4/1930, hoạt động sâu rộng khắp tỉnh Tiền Giang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Mỹ Tho một lòng đi theo cách mạng, chiến đấu kiên cường, suốt từ năm 1930 đến 1975. Họ đã trải qua nhiều hy sinh gian khổ, cùng với nhân dân cả nước liên tiếp giành những thắng lợi rực rỡ trong sự nghiệp giải phòng dân tộc. Trong dân gian vẫn còn ghi lại khí chất anh hùng của người dân như: “Gái Mỹ Tho mày tằm, mắt phụng. Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao”.
Đường 30 tháng Tư TP. Mỹ Tho.
Còn đó một Nguyễn Sáng trên đất Mỹ Tho
Ngoài cái nôi của nghệ thuật cải lương được hình thành từ năm 1918, Mỹ Tho còn là quê hương của một số văn nghệ sĩ nổi tiếng như cố NSND Năm Châu, nhà thơ Bảo Định Giang, đạo diễn ông bầu cải lương Năm Tú, họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Sáng... Trong số đó, họa sĩ Nguyễn Sáng là một tên tuổi lớn của làng hội họa Việt Nam và là người có tên trong bộ tứ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” lừng lẫy ở nước ta. Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh năm 1923, tại xã Điều Hòa, nay là phường 2, TP. Mỹ Tho. Theo sử liệu, xã Điều Hòa chính là cái nôi hình thành thị xã Mỹ Tho đầu tiên.
Từ nhỏ, Nguyễn Sáng đã được gia đình chăm lo học hành đến nơi đến chốn, khởi đầu là Trường Mỹ thuật Gia Định (1936-1938). 3 năm sau, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và tốt nghiệp năm 1945. Sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động kháng chiến. Vậy là sau khi rời ghế nhà trường, những tác phẩm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Sáng đã gắn liền với lịch sử cách mạng. Đúng với tinh thần quật khởi của người dân Mỹ Tho, họa sĩ Nguyễn Sáng dấn thân, tham gia công cuộc giải phóng dân tộc. Do vậy, hội họa của ông luôn mang tư tưởng, có tầm vóc khái quát cao. Những đề tài ông đề cập đều nóng bỏng tính thời sự và mang tính anh hùng cao cả. Tuy được tiếp thu nền nghệ thuật hiện đại phương Tây, nhưng họa sĩ luôn vận dụng những nét hội họa dân gian tạo nên cảm quan hiện thực sâu sắc.
Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Sáng là người vẽ bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gắn với hình tượng Bác Hồ. Ông cũng tham gia vẽ tiền giấy cho Bộ Tài chính (còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ). Cùng với đó, họa sĩ Nguyễn Sáng đã góp phần vẽ những đề tài cổ động chiến sĩ và ghi chép hàng trăm ký họa ngoài mặt trận. Những trải nghiệm trong cuộc kháng chiến trường kỳ đã được ông ấp ủ sáng tác sau này. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Sáng về Hà Nội ở tại số nhà 65 phố Nguyễn Thái Học. Tại đây, trong căn phòng nhỏ bé, họa sĩ Nguyễn Sáng đã miệt mài vẽ với nhiều cảm xúc cháy bỏng về công cuộc chiến đấu giải phóng đất nước. Ông là họa sĩ hàng đầu, mang phong cách hiện đại về đề tài cách mạng với các tác phẩm đã thể hiện như: “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ”, “Hành quân đêm mưa”, “Bộ đội nghỉ trưa trên đồi”, “Thành đồng Tổ quốc”... Với các tác phẩm gắn bó với quê hương Mỹ Tho, Tiền Giang, họa sĩ đã thể hiện cảm xúc lắng đọng, giàu nhịp điệu hào sảng của miền đất Nam Bộ. Tuy vậy, ông còn vẽ nhiều đề tài khác cũng rất đặc sắc như: “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Tháp Phổ Minh”, “Pác Bó”, “Chọi trâu” hoặc “Đấu vật”, “Thiếu nữ trong vườn chuối”… Ông mất năm 1988 tại TP. Hồ Chí Minh và là một trong những họa sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt đầu tiên năm 1996.
Phà Tân Long trên sông Bảo Định.
Thơm ngon hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho đã trở thành thương hiệu khắp vùng Nam Bộ. Mặc dù hủ tiếu là món đặc trưng của người Hoa nhưng đã được “Mỹ Tho” hóa, tạo nên hương vị độc đáo không nơi nào có được. Nước lèo được ninh từ xương, giò heo và mực nướng khô cùng với củ cải, phụ cùng với hành phi và hành lá xắt nhuyễn để làm rực mùi thơm. Còn bánh hủ tiếu phải được chế biến từ gạo miền Gò Cát. Loại gạo này cho sợi hủ tiếu trong, giòn và dai đến độ. Tất nhiên các hàng nổi tiếng ở Mỹ Tho đều dùng hủ tiếu tươi nên thơm và bùi vị gạo, dẻo, vừa mềm vừa dai.
Món ăn cùng hủ tiếu là thịt heo nạc, lòng non hoặc tôm và trứng cút. Nói đến gia vị ăn kèm, hủ tiếu Mỹ Tho càng khác hẳn hủ tiếu nơi khác. Giá sống, hẹ, rau cần tàu bên cạnh chanh ớt, nước tương hoặc nước mắm nguyên chất. Khi chan nước lèo vào bát hủ tiếu, mùi thơm dậy lên hấp dẫn người ăn. Chả thế mà Tổ chức Kỷ lục châu Á đã từng trao cúp vinh danh hủ tiếu Mỹ Tho đạt giá trị ẩm thực châu Á. Thậm chí, thành phố còn được tỉnh Tiền Giang đưa ra quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho” được hình thành hơn 100 năm qua.