Mỹ thay đổi thái độ với lãnh đạo Syria

18-03-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhìn nhận rằng Washington sẽ phải thương lượng với Tổng thống Syria Bachar al-Assad để chấm dứt cuộc xung đột mà nay đã bước sang năm thứ 5

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhìn nhận rằng Washington sẽ phải thương lượng với Tổng thống Syria Bachar al-Assad để chấm dứt cuộc xung đột mà nay đã bước sang năm thứ 5, sau khi đã khiến hơn 215 ngàn người thiệt mạng.

Có nên nói chuyện với Tổng thống al-Assad hay không? Đó là vấn đề mà cho tới nay vẫn rất nhạy cảm đối với cộng đồng quốc tế, nhất là đối với các nước phương Tây vốn vẫn lên án mạnh mẽ những hành động đàn áp của chế độ này. Cho tới nay, chính quyền Tổng thống Obama quan tâm nhiều hơn đến việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) và vẫn liên tục yêu cầu Tổng thống Syria phải từ chức. Vấn đề phải thống nhất với nhau về phương thức thương lượng với chế độ Damas. Mỹ đã từng tham gia vào cuộc đàm phán giữa đại diện phe đối lập Syria và đại diện chính quyền Assad tại Genève vào đầu năm nay. Nhưng cả hai đợt đàm phán đều đã không đạt kết quả nào và chính Ngoại trưởng Kerry đã nhìn nhận rằng “Assad không hề muốn thương lượng”.

Cuộc nội chiến ở Syria gây những hậu quả xã hội khủng khiếp.

Như vậy, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về việc cần phải nói chuyện với Tổng thống Syria phải chăng có nghĩa là Washington đã thay đổi thái độ đối với lãnh đạo chế độ Damas? Sau tuyên bố của ông Kerry, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã vội xác định ngay là không hề có thay đổi lập trường trên hồ sơ Syria, bởi vì nếu có thương lượng thì sẽ là với các đại diện của chế độ Damas hơn là với Tổng thống Assad. Trong một thông cáo, bà Marie Harf khẳng định: “Không có tương lai cho một nhà độc tài tàn bạo như Assad ở Syria”. Rõ ràng chính quyền Obama thấy rằng đây là một vấn đề có thể gây bất đồng trong cộng đồng quốc tế nói chung và giữa các nước phương Tây nói riêng. Ngay sau tuyên bố nói trên của ông Kerry, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh đã nói ngay rằng: “Assad không có chỗ trong tương lai của Syria”.

Về phía Pháp, vào đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống François Hollande cũng từng tuyên bố rằng Tổng thống Assad, “kẻ chịu trách nhiệm chính về nỗi thống khổ của người dân Syria” không phải là một đối tác “đáng tin cậy” trong cuộc chiến chống ISIS. Trước đó, Tổng thống Hollande đã cực lực chỉ trích chuyến đi Syria của bốn nghị sĩ Pháp, trong đó có ba người đã gặp Tổng thống Assad tại Damas. Cho tới nay, đối với Paris, giải pháp duy nhất cho Syria là kế hoạch chuyển tiếp chính trị dựa trên bản thông cáo Genève năm 2012, dự trù thành lập một Chính phủ chuyển tiếp bao gồm đại diện của phe đối lập và chế độ Damas, nhưng Tổng thống Assad phải ra đi.

Vấn đề là đã 4 năm qua, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria đều đã thất bại, xung đột có nguy cơ còn kéo dài trong lúc ISIS đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở nước này cũng như ở nước Iraq láng giềng. Mặc dù từ giữa năm 2014, liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy của Mỹ đã mở chiến dịch tấn công ồ ạt vào ISIS ở Syria và Iraq, nhưng lực lượng này vẫn còn rất mạnh.

Như vậy, ngoài việc chấm dứt xung đột ở Syria, quốc tế còn phải tìm cách tiêu diệt, hay ít ra ngăn chặn sự bành trướng của ISIS. Vấn đề đặt ra bây giờ là có nên xem Tổng thống Assad như là một đồng minh trong cuộc chiến chống ISIS hay không?

Đối với Pháp, Tổng thống Assad hầu như không kiểm soát được gì nữa và như vậy là không có hiệu quả trong việc chống ISIS. Nhưng có thể đó không phải là lập trường của Mỹ bây giờ. Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry có thể cho thấy là Washington hiện nay không loại trừ khả năng dựa vào chế độ Damas để dứt điểm với lực lượng ISIS hiện đang đe dọa đến an ninh toàn cầu.

Ngày 15/3/2015 là tròn 4 năm xảy ra cuộc xung đột tại Syria. Các báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, cuộc nội chiến này đã gây ra những thiệt hại nhân mạng và hậu quả xã hội chưa từng thấy: 215.500 người chết và hơn 4 triệu người trên 18 triệu dân phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Trong nước, 7 triệu người phải bỏ nhà tìm nơi yên ổn tạm cư.

LHQ ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên có liên quan tới cuộc xung đột ở Syria chấm dứt ngay mọi hành động đàn áp, bạo lực nhằm vào dân thường, dỡ bỏ rào cản đối với các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn lãnh thổ Syria.

Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng “Mùa xuân Arập” ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa Chính phủ và các lực lượng chống đối.

(Theo AFP)

Phạm Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn