Daniel Glaser, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho hay các lệnh trừng phạt Triều Tiên trước đây đã cản trở hàng trăm ngân hàng nước ngoài, bao gồm các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc, làm ăn với Bình Nhưỡng.
Theo ông Glaser, sắc lệnh trừng phạt mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành hôm 2-1 có mục đích xác định các tổ chức tài chính còn sót lại đang giúp Triều Tiên tiếp cận được hệ thống tài chính toàn cầu và những tổ chức này có thể đối mặt các biện pháp trừng phạt.
Ông Glaser nói: “Chúng tôi có thể nhằm mục tiêu vào bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Triều Tiên hoặc bất kỳ nhân viên chính phủ nào. Chúng tôi cũng có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức nào cung cấp hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên”.
Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, kêu gọi thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt mới được công bố sau khi giới chức Mỹ nói rằng Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại TP New York – Mỹ hôm 14-1, Phó Đại sứ Triều Tiên An Myong Hun tại Liên Hiệp Quốc tái khẳng định Bình Nhưỡng không thực hiện vụ tấn công trên, và yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng cáo buộc nước này.
Trong bối cảnh mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ trở nên căng thẳng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có khả năng đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm. Trước đó, Nga mời nhà lãnh đạo Kim tham gia lễ kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức vào ngày 9-5 tới. Hồi tháng 12-2014,Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho hay Điện Kremlin đã nhận được những “dấu hiệu đầu tiên từ Triều Tiên” rằng lãnh đạo Bình Nhưỡng có kế hoạch tham dự sự kiện này.