Hà Nội

Mỹ: Súng đạn bỗng trở thành tâm điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng

15-06-2016 07:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vụ xả súng hàng loạt tại Orlando, Mỹ khiến hơn 100 người thiệt mạng và bị thương lại một lần nữa thổi bùng lên những tranh cãi về luật sử dụng và sở hữu súng đạn tại Mỹ. Chưa bao giờ người dân Mỹ lại cảm thấy mất an toàn đến thế, khi các con số nghiên cứu đều chỉ ra Mỹ là nơi có tỷ lệ cao nhất thế giới về các vụ giết người bằng súng.

Một tuần sau vụ xả súng kinh hoàng tại Orlando xảy ra nhưng người ta vẫn chưa hết bàng hoàng, họ không thể lý giải được tại sao kẻ xả súng có thể đang tâm chĩa súng và tước đi mạng sống của 50 con người vô tội không hề làm hại, thậm chí không quen biết hắn. Xả súng đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong lòng xã hội Mỹ khi các vụ tấn công bằng súng xảy ra thường xuyên hơn bao giờ hết. Đau lòng nhất là những vụ thảm sát bằng súng tại các trường học mà nạn nhân là trẻ em, học sinh, sinh viên như vụ thảm sát năm 2014 tại Đại học California ở Santa Barbara, bang California, vụ thảm sát năm 2012 ở trường tiểu học Sandy Hook làm 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng hoặc vụ sát hại ở trường Đại học Virgina Tech năm 2007 làm 32 người  chết....

Tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Orlando.

Mua súng dễ hơn mua sách

Sau vụ xả súng đẫm máu ở Orlando, người ta mới giật mình tự hỏi liệu ở Mỹ có bao nhiêu khẩu súng? Theo Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội (CRS), năm 2009, đã có 310 triệu khẩu súng được lưu hành trên thị trường, đây là năm đánh dấu lần đầu tiên số lượng vũ khí vượt cả dân số Mỹ. Tờ Washinton Post cho biết, với đà tăng này, năm 2013, số vũ khí ở Mỹ đã đạt 357 triệu khẩu súng trên tổng số 317 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ nào cũng sở hữu một khẩu súng. Doanh số bán súng tại Mỹ đạt 3,5 tỷ USD mỗi năm.


Ai cũng có thể dễ dàng sở hữu súng ở Mỹ.

Tờ New York Times còn đưa ra thống kê cho biết, trung bình mỗi ngày ở Mỹ có hơn 1 vụ xả súng xảy ra. Riêng trong năm 2015, tại Mỹ đã có 462 người chết và  1314 người bị thương trong các vụ xả súng như vậy. Theo Liên hợp quốc, từ năm 2003 -2010, số người Mỹ thiệt mạng do súng đạn là khoảng 88.000 người.  Số vụ xả súng tại Mỹ đang tăng cả về số lượng và độ sát thương, tuy nhiên điều này không làm Chính phủ dễ dàng kiểm soát quyền sử dụng súng của người Mỹ hơn.

Người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống B.Obama đã mô tả về thị trường súng đạn ở Mỹ rằng, ở nhiều khu phố trên nước Mỹ, một đứa trẻ 12, 13 tuổi có thể mua một khẩu súng “dễ hơn là mua 1 cuốn sách”.  Và Tổng thống Obama không ít lần rơi nước mắt khi phát biểu kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật hạn chế súng đạn. Tuy nhiên, phe Cộng hòa vì lo sợ động đến các lợi ích nhóm mà không bỏ phiếu cho dự luật kiểm soát súng đạn.

Tổng thống Mỹ đã từng rơi nước mắt khi nói về các nạn nhân trong vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy.

Thực tế chỉ ra số người Mỹ thiệt mạng trong các vụ nổ súng cao hơn nhiều so với các cuộc tấn công khủng bố. Vậy mà Mỹ chi hàng tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố trong khi việc kiểm soát súng đạn ngay trong lòng nước Mỹ lại bị buông lỏng khiến hàng trăm người phải bỏ mạng mỗi năm.

Súng đạn trở thành tâm điểm của cuộc vận động tranh cử

Không phải ngẫu nhiên vấn đề sử dụng súng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, bởi đằng sau nó là hàng chục mạng người vô tội đã phải ra đi, buộc người Mỹ phải lưu tâm nhiều hơn tới vấn đề kiểm soát súng. Trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế của Nhà Trắng, sự chia rẽ về quan điểm kiểm soát súng và quyền sử dụng súng của 2 đảng ngày càng rõ rệt. Ứng cử viên của đảng Dân chủ bà Hillary Clinton ủng hộ quan điểm kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn, trong khi đó ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump lại cho rằng nếu các nạn nhân của vụ xả súng có vũ khí trong tay, họ đã có thể hạ hắn trước khi bị sát hại.  Bà Hillary và các nghị sỹ Đảng Dân chủ tiếp tục khẳng định đã đến lúc Quốc hội cần thông qua Luật mới về kiểm soát súng đạn. Bà cho biết, nếu một người đã từng bị Cục điều tra liên bang Mỹ  (FBI) nghi vấn, nên thực hiện lệnh cấm sở hữu vũ khí.

Các khảo sát của HuffPost cho thấy, 52% số người được hỏi cho biết bạo lực súng đạn là một vấn đề nghiêm trọng nhưng chỉ có 48% số người muốn tăng cường kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. So sánh giữa 2 đảng, 42% cử tri cho rằng họ tin tưởng đảng Cộng hòa trong xử lý các vấn đề liên quan đến súng, trong khi phía đảng Dân chủ chỉ dành được 39% niềm tin của cử tri.

Tuy nhiên dù ai trở thành người đứng đầu nước Mỹ thì vấn đề an ninh, khủng bố ở ngay trong lòng nước Mỹ sẽ là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.


Hải Yến
Ý kiến của bạn