Một cuộc tấn công trên không gian mạng là lý do khiến vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên thất bại, đây là thông tin được trang BBC của Anh cho biết. Dẫn lời cựu Ngoại trưởng Anh, ông Malcolm Rifkind nói với BBC, cho biết, có thể Mỹ đã can thiệp để phá hủy cuộc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Malcolm Rifkind nói: "Vụ phóng tên lửa đã thất bại vì hệ thống phóng đã bị bất hoạt, đó có thể là do các biện pháp mà Mỹ đang áp dụng trên không gian mạng máy tính. Cách này đã từng được áp dụng để làm gián đoạn các vụ thử tên lửa hoặc khiến các vụ thử đó thất bại." Đây chính là một trong những công cụ mà Mỹ đã và đang thực hiện nhằm tăng cường hệ thống phòng vệ mà ít quốc gia nắm bắt được. Bởi hệ thống công nghệ thông tin và mạng đang trở nên ngày càng "phẳng" trên thế giới.
Trước đó, truyền thông Mỹ xác nhận tên lửa của CHDCND Triều Tiên phóng hôm 16/4 đã nổ gần như ngay lập tức sau khi rời bệ phóng.
Mặc dù CHDCND Triều Tiên đã có những bước phát triển vượt bậc về chương trình vũ khí hạt nhân, tuy nhiên còn một thực tế là quốc gia này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn – ông Rifkind cho biết thêm.
Phó Giáo sư Matthew Sussex của Đại học Quốc gia Australia thì khẳng định rằng tên lửa của Triều Tiên đã bị Mỹ “hạ” ngay khi vừa bắn lên. Ông Sussex cho rằng, nếu Mỹ có kế hoạch phá chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nước này sẽ có hoạt động gián điệp ở ngay trong long Triều Tiên.
PGS người Australia suy đoán, chỉ cần một con chip bị lỗi trong quá trình xây dựng hệ thống tên lửa, hoặc phần mềm kiểm soát việc khởi động đã bị hư hại hoặc do yếu tố con người, có chủ đích phá hoại vụ phóng tên lửa sẽ dễ dàng thực hiện được mục đích.
Các dàn tên lửa hoành tráng trong lễ duyệt binh.
Về phần mình, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Gen T.R McMaster nói với báo chí, rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không bị đe dọa bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
"Tổng thống đã nói rõ rằng ông sẽ không chấp nhận việc Mỹ hay các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực bị đe dọa bằng vũ khí hạt nhân", McMaster cho biết thêm .
Trong một phản ứng gần như ngay sau vụ phóng tên lửa, Hàn Quốc cho biết, “Việc Triều Tiên trình diễn hàng loạt tên lửa tấn công trong cuộc diễu binh, cũng như vụ phóng tên lửa ngày 16/4, là những hành động phô trương sức mạnh đe dọa tới toàn thế giới.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời nhiều quan chức của Chính phủ Hàn Quốc nhận định rằng quả tên lửa mà Triều Tiên phóng sáng 16/4 có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung KN-15, cùng loại với quả tên lửa đã được phóng hồi đầu tháng này.