Hà Nội

Mỹ siết trừng phạt, Iran tìm cách cứu Thỏa thuận hạt nhân

05-07-2018 10:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Iran đang nỗ lực vận động các nước còn lại để “hồi sức” cho bản Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 với nhóm P5+1 cho dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Thậm chí lãnh đạo Iran- Tổng thống Hassan Rouhani đích thân tới châu Âu để tìm một “cơ hội mới” cho bản thỏa thuận.

Iran “giải cứu” Thỏa thuận hạt nhân thế nào?

Mặc cho các lệnh trừng phạt của Mỹ liên tục được đưa ra, Iran vẫn đang theo đuổi con đường của mình, vận động các nước còn lại của  bản Thỏa thuận hạt nhân không “ rút chân” cho dù không có Mỹ.  Mỹ- nước đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5-  tuyên bố,  gia tăng sức ép với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của nước này xuống 0%  bắt đầu từ ngày 4/11 tới đây. Điều này đồng nghĩa với việc “khóa chặt” cửa với nền kinh tế Iran, khiến  Iran không thể bán dầu cho bất kỳ nước nào khác. Đồng thời không quốc gia, tổ chức nào được giao dịch với ngân hàng Iran bắt đầu từ ngày 6/8. Nếu quốc gia nào không tuân theo, sẽ nhận các lệnh trả đũa của Mỹ như  không thể thanh toán dựa trên đồng USD và các giao dịch kinh doanh quốc tế sẽ gặp trở ngại.

Iran cảnh báo Mỹ sẽ nhận hậu quả xấu nếu chặn xuất khẩu dầu

Những nước  ủng hộ Iran hay bất tuân các lệnh trừng phạt sẽ  ở thế đối đầu với Mỹ. Chính điều này khiến các nhà phân tích cho rằng, việc cứu Thỏa thuận hạt nhân có thể  là hành động gây thêm mâu thuẫn, không chỉ giữa Mỹ và các thành viên của nhóm P5 1 mà  sẽ tạo ra xung đột giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Iran một mặt cam kết với châu Âu sẽ tiếp tục duy trì bản thỏa thuận, mặt khác yêu cầu các nước Liên minh châu Âu (EU) có hành động cụ thể, như cam kết về việc sẽ tiếp tục hợp tác với Iran, kể cả nâng mức độ hợp tác và hỗ trợ Iran để bù  đắp phần thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải hứng chịu khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.

Đáp lại đề nghị của Iran, các nước châu Âu phát đi những thông điệp yếu ớt, yêu cầu Mỹ miễn các công ty châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt. Biện pháp cứng rắn nhất mà EU thực hiện là cho biết sẽ hồi sinh đạo luật cấm doanh nghiệp EU tuân thủ các biện pháp trừng phát được áp đặt ở nước ngoài bởi một bên thứ 3. Và ngày 6/7 tới đây, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và 5 cường quốc thế giới (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) ở trong thỏa thuận hạt nhân sẽ nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo, đây được xem là bước đi thực tế nhất để thảo luận về một gói đề xuất của châu Âu nhằm bảo vệ thỏa thuận.

Kế hoạch gây sức ép lớn của Mỹ không nhận được sự ủng hộ

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tố cáo Mỹ đang gây sức ép lớn đối với các bên còn lại của Hiệp định hạt nhân Iran, các nước không coi mình  là một bên trung gian trong quan hệ Iran- Mỹ mà là một bên của thỏa thuận và có quyền đối thoại với nhau.

Về phần mình, Iran cảnh báo Mỹ sẽ gánh hậu quả nếu chặn xuất khẩu dầu của nước này, họ đã chuẩn bị phương án có thể khiến thị trường dầu mỏ chao đảo, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Đó là nếu không thể bán dầu cho các nước khác, Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz- tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng ở khu vực, nhằm đáp trả các hành động thù địch của Mỹ chống Iran.

Trong khi châu Âu chưa có động thái nào cho thấy thiện chí thực sự của mình, họ vẫn đang  tìm cách  “níu chân “ Iran ở lại với bản Thỏa thuận hạt nhân  thì Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran-  phớt lờ các lời kêu gọi ngừng nhập khẩu dầu của Mỹ, vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế với Iran. Thậm chí, còn sử dụng đồng tiền nhân dân tệ như một kênh thanh toán.  Nếu Iran bán dầu sang Trung Quốc, sẽ khiến cuộc chiến thương mại Mỹ Trung thêm trầm trọng.

Sự đối đầu căng thẳng trong thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Syria đang đẩy châu Âu, Nga, và cả Trung Quốc  xích lại gần hơn với Iran, trong khi Mỹ tự cô lập mình trên bàn cờ chính trị, kinh tế thế giới. Việc đụng chạm đến mỏ vàng đen ở khu vực Trung Đông khiến  dư luận tin rằng, cái giá phải trả để duy trì một thỏa thuận có nguy cơ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh ở Trung Đông khó đong đếm được, điều đó đòi hỏi  không chỉ Iran mà cần sự nỗ lực của nhiều bên.


Hải Yến
Ý kiến của bạn