Mỹ không ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông
Đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Harry Harris ngày 15/6 đã nhấn mạnh, Mỹ sẽ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện những hành động gây hấn của mình ở Biển Đông.
Theo ông Harris, những hành động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc “làm gia tăng các thách thức đối với Mỹ và buộc Mỹ phải tiếp tục đối đầu với Trung Quốc về vấn đề này”.
Ông Harris cũng cảnh báo Trung Quốc: “Bạn không thể xây chủ quyền bằng những lâu đài cát. Chủ quyền trên biển phải được thiết lập dựa trên luật pháp quốc tế”.
Khi được hỏi về việc liệu những hành động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bất chấp sự phản đối của Mỹ có dẫn đến việc Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC, ông Harris nhắn mạnh: “Tôi không muốn nêu rõ các điều kiện mà chúng tôi đặt ra với Trung Quốc bởi nếu thế có thể Trung Quốc sẽ vờ chấp thuận những điều kiện này”.
“Hiện lời mời của chúng tôi vẫn để ngỏ để xem tình hình sẽ tiến triển đến đâu”, ông Harris nói.
Cuộc tập trận RIMPAC là cuộc tập trận Hải quân lớn nhất thế giới và được tổ chức 2 năm/lần gần Hawaii, Mỹ.
Trung Quốc đã lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này vào năm 2014 và Mỹ dự định sẽ tiếp tục mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận 2016.
Liên quan đến những lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng việc cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ trên đó để thiết lập Vùng nhận diện phòng Không (ADIZ) ở Biển Đông, ông Harris nhấn mạnh: “Trung Quốc từng đơn phương thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông nhưng điều đó không khiến chúng tôi mảy may lo ngại”.
Ông Harris nêu rõ: “Khi Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông cuối năm 2013, Mỹ đã hoàn toàn phớt lờ những quy định mà Trung Quốc áp đặt. Việc Trung Quốc lập ADIZ không thể ngăn cản chúng tôi tiến hành các cuộc tuần tra trên không hoặc trên biển trong khu vực”.
“Tôi không tin Trung Quốc dám thiết lập ADIZ ở Biển Đông để ngăn cản Mỹ. Mà dù họ có làm vậy thì chúng tôi vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu quân sự hoạt động trên không phận và hải phận quốc tế” như trước đây.
Trung Quốc “xuống thang” nhưng vẫn muốn ôm Biển Đông
Đáp lại những tuyên bố có phần cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc ngày 16/6 khẳng định sẽ dừng mọi hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông sau khi đã mở rộng diện tích các đảo này từ 5ha kể từ trước tháng 1/2014 lên 800ha.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẽ xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học trên các đảo nói trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Kang cho biết: “Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên quẩn đảo Nam Sa [trên thực tế là quần đảo Trường Sa của Việt Nam] là hợp pháp. Hoạt động này không nhằm vào nước nào, không gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không của các nước ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, những tuyên bố có phần xoa dịu này của Trung Quốc được cho là chỉ mang tính nhất thời để tránh sự chỉ trích gay gắt của các nước nhằm vào hoạt động cải tạo đảo phi pháp của nước này.
Nhiều chuyên gia còn nhận định, Trung Quốc “dịu giọng” như vậy là để dọn đường cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9 tới cũng như để che lấp một sự thật rằng, Trung Quốc đang cố tình tạo ra “sự đã rồi”.
Mỹ hoan nghênh Nhật tham gia tuần tra chung
Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều chuyên gia đã đề xuất việc Mỹ mời gọi các đồng minh của mình, trong đó có Nhật Bản tham gia tuần tra chung trong khu vực.
Liên quan đến đề xuất này, Đô đốc Harris khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh việc Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản hợp tác đưa tàu và máy bay tham gia tuần tra chung trong khu vực”.
Đô đốc Harris cũng nêu rõ hoạt động này của Mỹ và Nhật Bản là hoàn toàn hợ pháp và khẳng định: “Vùng biển quốc tế ở Biển Đông không phải là vùng lãnh hải riêng của bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, Nhật Bản hoàn toàn có quyền hoạt động tại đó”.
Quan điểm trên của ông Harris gợi nhớ lại tuyên bố có phần cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani từng vào cuối tháng 5 vừa qua tại Đối thoại Sangri-La.
Theo đó, ông Nakatani khẳng định: “Nếu chúng ta để mặc cho những vi phạm pháp luật [ở Biển Đông] không được kiểm soát, thì trật tự sẽ sớm trở thành hỗn loạn và hòa bình, ổn định ngay lập tức sẽ mất đi. Tôi hy vọng, mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc cần phải cư xử như một quốc gia có trách nhiệm”./.