Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP
"Tôi sẽ theo dõi tình hình tại Nam Sudan và sẽ có thêm hành động để hỗ trợ sự an toàn cho người dân, nhân viên và tài sản của chúng ta, bao gồm cả đại sứ quán", AFP dẫn lời ông Obama trong một bức điện gửi Hạ viện Mỹ.
Vụ tấn công diễn ra hôm 21/12 khi lực lượng Mỹ đang cứu hộ công dân Mỹ từ Bor, một thị trấn phía bắc thủ đô Juba. Khi ba chiếc máy bay CV-22 Osprey tiến gần thị trấn, chúng bị "một lực lượng chưa xác định bắn bằng những vũ khí nhỏ", Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (USAC) cho biết. 4 quân nhân bị thương trong vụ nã đạn đang ở trong tình trạng ổn định.
Các quân nhân bị thương nằm trong số 46 binh sĩ Mỹ được triển khai thêm tới Sudan, để phối hợp với 45 lính đồng hương đang có mặt tại đây trong việc sơ tán công dân và tài sản của Mỹ.
Ông Obama kêu gọi Nam Sudan chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang và cảnh báo quốc gia này đang đứng trước bờ vực một cuộc nội chiến. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định bất kỳ một cuộc đảo chính quân sự nào diễn ra sẽ đồng nghĩa với việc Washington cùng đồng minh chấm dứt các chương trình hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho đất nước trẻ nhất thế giới này.
Bạo lực nổ ra đầu tuần qua giữa những phần tử đối lập của quân đội Nam Sudan, và có mối lo ngại rằng bạo lực có thể trở thành một cuộc nội chiến. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với cựu cấp phó của ông, Riek Machar, gây ra cuộc bạo lực. Riêng tại thủ đô Juba, ít nhất 500 người thiệt mạng trong 6 ngày đụng độ.
Căng thẳng leo thang ở Nam Sudan kể từ tháng 7, khi ông Kiir sa thải Machar và toàn bộ nội các. Động thái này châm ngòi cho căng thẳng giữa cộng đồng Dinka của Kiir và cộng đồng Nuer của Machar. Số người thiệt mạng gồm binh sĩ và dân thường lên tới hàng trăm, chính phủ cho biết. Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, khi mới giành độc lập từ Sudan cách đây hai năm.
Vị trí Nam Sudan tại châu Phi. Đồ họa: CNN
Đức Dương