Theo tờ New York Times ngày 29/10, đề nghị này nằm trong một kế hoạch lớn hơn mà ông Zelensky gọi là "kế hoạch chiến thắng", trình bày trước quốc hội vào đầu tháng. Tuy nhiên, việc chuyển giao loại vũ khí này dường như là không thể, theo một nguồn tin cao cấp từ chính phủ Mỹ.
Kế hoạch của ông Zelensky không chỉ dừng lại ở yêu cầu tên lửa Tomahawk, mà còn bao gồm lời kêu gọi NATO mời Ukraine gia nhập ngay lập tức và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa từ nước ngoài để tấn công Nga.
Ông cũng đề nghị thiết lập một "gói răn đe phi hạt nhân" ngay trên lãnh thổ Ukraine để đối phó với Nga, trong đó Tomahawk sẽ là phần quan trọng.
Với tầm bắn lên tới 2.400 km, loại tên lửa này có thể tấn công vào tận dãy núi Ural ở Nga. Trước đó, Ukraine chỉ được Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa ATACMS với tầm bắn ngắn hơn, khoảng 300 km.
Dù vậy, tờ New York Times cho biết yêu cầu này "hoàn toàn không khả thi", vì Ukraine chưa thuyết phục được Washington về cách sử dụng hiệu quả vũ khí tầm xa như vậy.
Thêm vào đó, danh sách mục tiêu của Ukraine trong lãnh thổ Nga còn vượt quá khả năng viện trợ của Mỹ mà không ảnh hưởng đến cam kết an ninh của họ ở Trung Đông và châu Á.
Theo báo cáo, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ bức xúc trước kế hoạch của ông Zelensky, nhận xét rằng nó "thiếu tính thực tế và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ từ phương Tây". Thậm chí, một số người coi đây là "danh sách mong muốn" hơn là một chiến lược khả thi.
Trước đây, Mỹ cũng tỏ ra dè dặt trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, với lý do rủi ro căng thẳng với Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã cảnh báo rằng nếu phương Tây cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào Nga, NATO sẽ bị coi là đang "tham chiến" với Nga. Ông Putin cũng cho rằng Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ về dữ liệu nhắm mục tiêu từ khối NATO do Mỹ dẫn đầu, để thực hiện các cuộc tấn công này.