Ngày 15/10 tới là thời hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có xác nhận việc Iran tuân thủ hạt nhân lịch sử hay không? Trước đó, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh những hành động phát triển vũ khí hạt nhân của Iran đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 tại Vienna (Áo) giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức). “Tôi sẽ không cho phép Iran đạt được vũ khí hạt nhân. Chính sách của nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và xuất khẩu bạo lực, gây đổ máu và hỗn loạn trên khắp Trung Đông, Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải chấm dứt những hành động này của Iran cũng như tham vọng hạt nhân của nước này. Iran đã không tôn trọng tinh thần của thỏa thuận hạt nhân”, ông Donald Trump nhấn mạnh hôm 6/10.
Nếu ông Donald Trump từ chối xác nhận sự tuân thủ thỏa thuận của Iran, lãnh đạo Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vốn đã bị đình chỉ theo thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử năm 2015 có thể sẽ bị xóa sổ.
Trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Iran có thể đáp trả lại bằng việc đình chỉ một số cam kết theo Kế hoạch đã ký. Điều này sẽ dẫn tới khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt để đáp trả và cuối cùng sẽ dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuyên bố của Tổng thống Iran Rouhani rằng, nước này có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong vài giờ nếu các lệnh trừng phạt Iran được áp dụng, cho thấy rõ nguy cơ này. Một khi thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ, nó không chỉ khiến Trung Đông lại “nóng lên” với vấn đề hạt nhân, mà hơn cả sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lo ngại về sự phát triển tên lửa đạn đạo và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Triều Tiên sẽ đặt câu hỏi, tại sao họ lại phải ký một thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ không tôn trọng thỏa thuận chỉ mới ký kết 2 năm với Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ
Những động thái đang diễn ra cho thấy căng thẳng đang gia tăng nhanh trong vấn đề hạt nhân Iran. Vậy các bên sẽ đầy tình hình tới đâu?
Thực tế cho thấy Iran sẽ không dễ dàng xuống nước, song cũng không muốn đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm bỏi nó có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, “phần thiệt” sẽ rơi về phía Mỹ khi cộng đồng quốc tế không đồng tình với quan điểm của Washington trong vấn đề hạt nhân Iran. Ủy ban châu Âu đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cần phải thực thi đầy đủ cam kết của mình và nhấn mạnh rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử cần phải được tôn trọng. “Đây là thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, đã được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua và vẫn đang có hiệu lực, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế xác nhận. Chúng tôi mong muốn tất cả các bên tuân thủ những cam kết của mình và đây là lập trường của chúng tôi”, bà Catherine Ray, Người phát ngôn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu nói.
Hãng tin Anh Reuters cho biết trước nguy cơ Mỹ rút khỏi thỏa thuận Vienna, Iran có thể đã liên lạc với các nước ký kết nhằm thảo luận “một số khía cạnh” của chương trình tên lửa đạn đạo. Cụ thể, tại các cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng trước, Iran đã cho biết sẵn sàng thảo luận về chương trình tên lửa nhằm giải tỏa những lo ngại từ cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi căng thẳng xảy ra. Một quan chức Iran giấu tên cho biết, phía Mỹ bày tỏ lo ngại về năng lực đạn đạo của Iran và người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đã trả lời rằng, có thể thảo luận về vấn đề này.
Trong bối cảnh Thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ, giới phân tích lo ngại những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ trên sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định, an ninh khu vực và thị trường dầu mỏ thế giới. Về dầu mỏ, Iran hiện sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày. Khoảng 60% trong số đó được xuất khẩu đến Châu Á, trong khi 40% đến Châu Âu. Việc Mỹ phá vỡ thỏa thuận hật nhân Iran có thể khiến thị trường năng lượng thế giới biến động khôn lường.