Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã xác nhận trường hợp trên vào chiều cùng ngày. Cơ quan y tế công bang Massachusetts cho biết đang phối hợp với CDC và giới chức y tế địa phương để tiến hành truy vết, đồng thời khẳng định trường hợp này không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Bệnh nhân đã nhập viện và đang trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trong thông báo, chính quyền bang Massachusetts khẳng định virus bệnh đậu mùa khỉ không dễ dàng lây từ người sang người. Tuy nhiên, lây nhiễm có thể xảy ra qua tiếp xúc với dịch thể, vết thương ngoài da của người bệnh, hay một số đồ vật như giường, quần áo có dính dịch thể, hoặc qua giọt bắn hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài.
Năm ngoái, bang Texas và Maryland của Mỹ đều ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những người về từ Nigeria. CDC hiện đang theo các ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ tại một số quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh trong 2 tuần qua.
Trong khi đó, tối cùng ngày, Cơ quan Y tế công Canada tuyên bố chưa ghi nhận ca nhiễm nào tại thời điểm này, khẳng định đang theo dõi chặt chẽ tình tình hình trong bối cảnh xuất hiện các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu.
Đậu mùa khỉ là virus hiếm gặp, thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Biểu hiện rõ ràng nhất là phát ban, thường xuất hiện trên mặt trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể, sau đó hình thành các tổn thương da, đóng vảy và bong ra.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị, song vẫn có thể gây tử vong. Theo WHO, hiện chưa có thuốc điều trị và vaccine ngăn ngừa căn bệnh này.
Adenovirus- Nghi phạm gây bệnh viêm gan bí ẩn có khả năng gây bệnh gì-