Hoa mắt vì mỹ phẩm tế bào gốc
Sáng 25/3, liên hệ theo số điện thoại 09840999xx trên trang web www.giamcankhoedep.com, PV được tiếp cận sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc Placenta Diamon Gold với lời quảng cáo “được chiết xuất từ nhau thai người, hiệu quả cao trong điều trị sẹo lõm, sẹo rỗ, các vết tổn thương trên da mặt”.
Thấy tôi thắc mắc về hộp sản phẩm toàn chữ Trung Quốc, không có tên tuổi, địa chỉ nhà sản xuất, người bán hàng giải thích, sản phẩm này được sản xuất tại Pháp, nhưng đóng gói và gia công tại Đài Loan, vì là hàng xách tay xịn nên không có tem nhãn nhập khẩu. Giá bán của sản phẩm này lên tới 4,9 triệu đồng/hộp.
Tiếp tục lần theo một địa chỉ trên mạng (trang web www.tiemtrangda-mimi.com), PV Báo Giao thông được tiếp thị một sản phẩm tế bào gốc Filorga được quảng cáo “kết hợp 4 loại tế bào gốc: Xương, máu, tạng và da”. Vì kết hợp nhiều thành phần quý, nên sản phẩm này như tiên dược, vừa chống lão hóa, trẻ hóa cơ thể, vừa ngăn ngừa được các loại bệnh tật, tăng khả năng sinh lý cho cả nam và nữ... Giá bán sản phẩm này lên tới hơn 20 triệu đồng/hộp.
Cũng giống như sản phẩm Placenta Diamon Gold, sản phẩm tế bào gốc Filorga không có tem nhãn nhập khẩu, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng. “Cứ yên tâm, hàng xách tay nào chả thế, sản phẩm bên chị cung cấp cho các spa lớn chứ rất ít bán lẻ”, người bán nói.
Liên hệ chi nhánh mỹ phẩm Oma Sharif miền Bắc, chị Thu Phương, phụ trách bán hàng nhanh nhảu giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn là “Tinh chất tế bào gốc Replazen 90” có giá 12,6 triệu đồng/hộp. Giới thiệu đây là hàng nhập xuất xứ Pháp nhưng sản xuất ở Hàn Quốc, chị Phương nhấn mạnh: “Sản phẩm này có đủ giấy chứng nhận chất lượng của Cục Quản lý dược phẩm Mỹ”.
Lý giải trước thắc mắc, “nghe nói Bộ Y tế cấm các loại mỹ phẩm chiết xuất tế bào gốc từ con người”, chị Phương cho hay, “đấy là chỉ cấm với các sản phẩm trong nước thôi, chứ sản phẩm của bên chị, Mỹ đã cấp phép rồi thì được phép bán ở tất cả các nước, không cần xin phép Bộ Y tế Việt Nam nữa (?!)”.
Chưa có kiểm chứng khoa học
Trước thực trạng xuất hiện những sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo chiết xuất từ tế bào gốc, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định: “Các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Đến nay, Cục Quản lý dược không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người”.
"Trong lĩnh vực thẩm mỹ, các nghiên cứu có đủ tính thuyết phục về mặt khoa học của tế bào gốc mới chỉ là cải thiện quá trình liền thương của da, tạo một số thay đổi ở cấu trúc da bình thường cũng như sự tăng sinh mô mỡ. Bởi vậy, ứng dụng của tế bào gốc trong thẩm mỹ đang mang nặng tính thương mại, chưa được xác định giá trị thực tế về y học”
PGS.TS Trần Thiết Sơn,
Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Saint Paul)
Ông Hùng thừa nhận, hiện nay có hiện tượng kinh doanh mỹ phẩm trên mạng internet, các sản phẩm được rao bán rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Trong đó có nhiều sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong thành phần công thức có chứa tế bào gốc từ nhau thai, cuống rốn... con người. “Cơ quan chức năng đang siết chặt, tăng cường kiểm tra thị trường mỹ phẩm này; còn người mua hàng cũng cần tỉnh táo trước những sản phẩm mỹ phẩm nguồn gốc trôi nổi”, ông Hùng khuyến cáo.
Nói về sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc có thành phần từ con người, ông Bùi Việt Anh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc (Bệnh viện Vinmec) cho biết, đây chỉ là sự lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, cũng như sự thiếu kiểm soát của giới khoa học và cơ quan chức năng, nhất là lĩnh vực tế bào gốc còn khá mới mẻ tại Việt Nam. “Quảng cáo mỹ phẩm có tế bào gốc nguồn gốc con người có khả năng làm đẹp kỳ diệu là một cách quảng cáo phản khoa học, chưa có sự kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học nghiêm túc”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Saint Paul) cũng cho biết, tế bào gốc với phương thức lấy từ ba nguồn: Tủy xương, mô mỡ và máu chỉ có khả năng thay đổi đáng kể hiệu quả trong điều trị bệnh như cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu, điều trị chấn thương cột sống, teo cơ xơ cứng, Parkinson, tổn thương cơ… Còn ứng dụng về thẩm mỹ thì chưa có một nghiên cứu chính thức nào.