Mỹ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, Nga bước sang ngày thứ 3 liên tiếp có hơn 10.000 người nhiễm bệnh

06-05-2020 09:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi Mỹ tiếp tục là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, dịch bệnh tại Nga đang có chiều hướng xấu đi. Mới đây, các nhà khoa học của Pháp phát hiện ra trường hợp một bệnh nhân mắc COVID-19 từ cuối tháng 12/2019, phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khả năng lây truyền của COVID-19 và nguồn gốc của nó.

Tính đến chiều tối ngày 5/5, ghi nhận 3.660.055 trường hợp mắc Covid-19 tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số mắc cao nhất tại Mỹ với hơn 1,2 triệu trường hợp; 8 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil); Nga có số trường hợp mắc bệnh theo ngày tăng cao nhất với hơn 10.000 ca (đây là ngày thứ 3 liên tiếp Nga có hơn 10.000 người mắc bệnh 1 ngày);  29 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp; 52 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 124 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

Ghi nhận hơn  250.000  trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với hơn 72.000  trường hợp, 4 quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp tử vong (Italia, Anh, Tây Ban Nha, Pháp), Anh có số người chết cao nhất châu Âu, 17 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp, 38 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận tử vong do COVID -19 (trong đó có Việt Nam).

Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 51.271 trường hợp mắc và 1.694 tử vong, trong đó Singapore tiếp tục ghi nhận số mắc cao nhất (19.410) và Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (872); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch COVID-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ bằng ½ số ca tử vong của cả châu Âu

Mỹ tiếp tục là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 23.306 ca mắc mới và 2.246 ca tử vong mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19  lên hơn 1,2 triệu người, trong đó, số ca tử vong đã vượt mốc 70.000, lên hơn 72.000 trường hợp. Chỉ riêng số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã bằng khoảng 1/2 số ca tử vong toàn châu Âu – hơn 144.000  người  và cao hơn 3,5 lần số ca tử vong của cả châu Á khoảng hơn 20.000 ca.

Mỹ là quốc gia có số nhiễm bệnh cao nhất thế giới

Ngày 5/5, Tổng thống Donald Trump cho biết  sẽ sớm giải tán nhóm đặc nhiệm chống dịch COVID-19  trong bối cảnh nước này đang hướng đến giai đoạn 2, tập trung vào các biện pháp sau dịch, đồng thời khẳng định, cuộc chiến chống COVID-19  vẫn chưa kết thúc.

Pháp phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 12/2019, dịch bệnh tại Nga tăng nhanh nhất châu Âu

Các nhà nghiên cứu của Pháp mới đây đã phát hiện ra một trường hợp là một người đàn ông đã bị nhiễm SARS-CoV-2 sớm nhất là vào ngày 27/12/2019, gần một tháng trước khi Pháp công bố có trường hợp đầu tiên. Điều này có thể rất quan trọng trong việc đánh giá SARS-CoV-2 xuất hiện từ khi nào và ở đâu.

Các nhà nghiên cứu Pháp đã kiểm tra lại mẫu bệnh phẩm của 24 bệnh nhân được điều trị vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020, những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm trước khi COVID-19  diễn tiến thành đại dịch.

Đây là trường hợp của  bệnh nhân 42 tuổi sinh ra ở Algeria, sống ở Pháp từ nhiều năm nay và làm nghề bán cá, đã bị mắc COVID-19. Người đàn ông này không đi du lịch nước ngoài trong nhiều tháng trước khi ngã bệnh và không biết mình có thể bị mắc bệnh ở đâu. Vợ ông này làm việc tại một cửa hàng bán lẻ gần sân bay Paris và thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài.

Hiện còn quá sớm để khẳng định người đàn ông này là "bệnh nhân số 0" của Pháp. Tuy vậy, việc xác định bệnh nhân bị nhiễm đầu tiên rất đáng quan tâm về mặt dịch tễ học, vì nó thay đổi đáng kể kiến thức về virus SARS-CoV-2 và sự lây lan ở Pháp.

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho rằng, báo cáo về việc COVID-19  đã xuất hiện vào tháng 12/2019 ở Pháp, sớm hơn so với suy nghĩ trước đây, là "không đáng ngạc nhiên".

Phát hiện này sẽ đưa đến “một bức tranh hoàn toàn mới”, có thể giúp hiểu rõ hơn về khả năng lây truyền của COVID-19  và khuyến khích các quốc gia khác kiểm tra hồ sơ về các trường hợp viêm phổi có nguồn gốc không xác định vào cuối năm 2019.

Về tình hình dịch COVID-19  tại Pháp, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới hơn 25.000  người (tăng 330 ca trong 24 giờ), trong số các nạn nhân tử vong do COVID-19  , có 16.000 người qua đời ở bệnh viện, gần 10.000 trường hợp ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

Hiện Pháp có hơn  170.000 người mắc COVID-19, điểm tích cực duy nhất là  số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp trong 27 ngày qua.

Để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 , Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand cho biết, kể từ ngày 11/5, các nghị sĩ khi tham gia cuộc họp toàn thể sẽ được phép đeo khẩu trang, nhưng khi phát biểu thì phải để hở mặt. Đến thời điểm này đã có  33 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở trong nghị viện Pháp, bên cạnh đó, có 68 nghị sĩ, nhân viên và cộng tác viên có các triệu chứng của bệnh.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo, ngày 11/5, Pháp sẽ dỡ bỏ phong tỏa, theo đó thủ đô của Pháp sẽ có khoảng 30 phố đi bộ mới và 50 km đường dành cho xe đạp.  Để hạn chế số lượng xe ô tô trong thành phố, chính quyền Paris đang sắp xếp để có thể tăng gấp đôi số chỗ đỗ xe tại các cửa ngõ vào thành phố. Những chỗ đỗ xe này sẽ được miễn phí đối với những người mua vé tháng hoặc vé năm của hệ thống giao thông công cộng.

Dịch bệnh tại Nga đang có chiều hướng xấu đi. Hiện xứ sở Bạch Dương đã lọt vào top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với trên 10.000 ca nhiễm mới liên tục trong 3 ngày qua, đưa tổng số người nhiễm bệnh ở Nga lên hơn 150.000  trường hợp, trong đó có gần 1500 người tử vong. Nga có thể  sắp xếp lại thứ tự các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bởi nhiều quốc gia châu Âu  như Đức, Pháp dịch bệnh đang có chiều hướng hạ nhiệt với số ca mắc mới trong ngày chưa tới 1/10 Nga.

Trung Quốc báo cáo hai trường hợp nhiễm COVID-19 mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, hiện vẫn có  339 trường hợp được mắc bệnh trong đó có 26 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng, số người khỏi bệnh và xuất viện đến nay là  77.911 trường hợp, số ca tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc là  4.633 người, có tổng cộng  82.883 trường hợp mắc bệnh.  Hiện Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng số các ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài, họ hầu hết là  những người đã đi du lịch trở về Trung Quốc.

Nhật sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp, Singapore tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao

Tại Nhật Bản hiện đã có hơn 15.000  ca mắc, trong đó có 536 người tử vong. Chính phủ nước này có kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau ngày 6/5 như kế hoạch trước đó do lo ngại COVID-19  tiếp tục diễn biến phức tạp.  Tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.881, trong đó có 4.633 người tử vong.

Tại Ấn Độ ghi nhận 49.400 ca mắc, trong đó có 1.693 ca tử vong. Hiện chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị sơ tán các công dân bị mắc kẹt tại 13 quốc gia về nước.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực.  Trong 24 giờ qua, Singapore  có hơn 600 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Singapore hiện ghi nhận tổng cộng gần 20.000 ca nhiễm, trong đó 18 người đã tử vong. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố gói giải pháp "ngắt mạch" để ngăn chặn COVID-19  lây lan sẽ được gia hạn đến 1/6, trong khi các quy tắc hiện hành được thắt chặt hơn trong hai tuần tới.

Indonesia ghi nhận thêm 484 ca nhiễm và 8 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trong ngày 5/5, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 12.071 và 872. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.



Hải Yến
Ý kiến của bạn