Mỹ loại bỏ mẫu xe bọc thép hạng nhẹ vì... quá nặng

03-05-2025 09:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Quân đội Mỹ sẽ huỷ bỏ chương trình phát triển xe bọc thép M10 Booker vì phương tiện này quá nặng, không đáp ứng được yêu cầu chiến đấu cơ động như dự kiến.

Thông tin được Bộ trưởng Lục quân Mỹ Dan Driscoll xác nhận trong cuộc họp báo ngày 2/5. Ông gọi quyết định triển khai M10 Booker dưới thời chính quyền trước là "một sai lầm", đồng thời thừa nhận chương trình đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là ở trọng lượng 42 tấn và thiết kế không đáp ứng được yêu cầu tác chiến linh hoạt.

"Những gì xảy ra trong chủ trương mua sắm của chúng tôi không tốt", ông Driscoll nói, đồng thời cam kết quân đội sẽ rút kinh nghiệm từ sự việc lần này.

Theo ông, trọng lượng của M10 Booker khiến nó không thể thực hiện được một số nhiệm vụ dự kiến, như triển khai bằng cách thả từ máy bay vận tải của Không quân Mỹ.

Mỹ loại bỏ mẫu xe bọc thép hạng nhẹ vì... quá nặng- Ảnh 1.

M10 Booker được cho là quá nặng so với nhiệm vụ dự kiến. Ảnh: Quân đội Mỹ

M10 Booker do hãng General Dynamics Land Systems phát triển. Dù được gọi là xe tấn công hạng nhẹ, trên thực tế, phương tiện này được phân loại là xe hỗ trợ bộ binh, hay còn gọi là "pháo tấn công", chứ không phải xe tăng nhẹ theo định nghĩa truyền thống.

Chương trình phát triển M10 bắt đầu từ năm 2022, sau khi General Dynamics nhận được hợp đồng trị giá 1,14 tỷ USD. Quân đội Mỹ từng có kế hoạch mua hơn 500 chiếc, với lô hàng đầu tiên được bàn giao vào tháng 2/2024.

Đây là dòng xe bọc thép lớn đầu tiên mà quân đội Mỹ phát triển trong vòng hai thập kỷ qua, với kỳ vọng sẽ giúp các lực lượng cơ động nhẹ có thể chiếm ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thiết kế của M10 dần trở nên cồng kềnh, nặng nề hơn dự kiến ban đầu. Theo trang Defense One, vấn đề này chỉ được nhận ra khi đã quá muộn.

Theo Alex Miller, giám đốc công nghệ của Bộ tham mưu Lục quân Mỹ: "Đây không phải là một câu chuyện về việc mua sắm thất bại, Đây là câu chuyện về một hệ thống yêu cầu quá cứng nhắc, đến mức quân đội không thể điều chỉnh hướng đi dù biết đang gặp vấn đề và cứ tiếp tục theo quán tính".

Việc huỷ bỏ chương trình M10 nằm trong kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng hơn do Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth chỉ đạo. Trong một bản ghi nhớ công bố hôm 2/5, ông Hegseth kêu gọi chuyển hướng ngân sách khỏi các khí tài cũ như xe Humvee hay trực thăng, để tập trung phát triển các hệ thống tiên tiến, đặc biệt là máy bay không người lái (UAV).

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2026, tất cả các sư đoàn trong quân đội Mỹ đều phải được trang bị UAV. Bên cạnh đó, ông Hegseth cũng đề xuất cải tổ lực lượng trực thăng tấn công có người lái, đồng thời đầu tư mạnh vào các "đàn UAV giá rẻ" nhằm tạo lợi thế áp đảo trong xung đột.

Bản ghi nhớ cũng chỉ thị quân đội Mỹ phải đánh giá lại toàn bộ kho vũ khí, chấm dứt tài trợ cho các hệ thống được xem là lỗi thời, huỷ bỏ hoặc cắt giảm những chương trình không còn hiệu quả hoặc bị trùng lặp.

Ngoài M10, các hệ thống khác trong diện cắt giảm còn bao gồm một số dòng máy bay có người lái, xe chiến đấu mặt đất và các thế hệ UAV cũ hơn.

Tàu điện lớn nhất thế giới được hạ thủyTàu điện lớn nhất thế giới được hạ thủy

SKĐS - Ngày 2/5, một công ty đóng tàu tại Australia đã hạ thủy tàu điện chạy bằng pin lớn nhất thế giới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực vận chuyển bền vững và là dự án lớn nhất mà công ty này từng thực hiện.


Xuân Minh
(Theo Business Insider)
Ý kiến của bạn