Mỹ khởi động một phần kế hoạch Hòa bình Trung Đông: Lợi bất cập hại?

22-05-2019 06:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhà Trắng đã khởi động phần đầu tiên của kế hoạch Hòa bình Trung Đông hôm 19/5.

Theo đó, Washington sẽ đưa ra các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư vào khu vực Bờ Tây, Dải Gaza và trên toàn khu vực này tại Barain trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong kế hoạch Hòa bình Trung Đông này.

Cụ thể, kế hoạch Hòa bình Trung Đông mới do Mỹ khởi xướng được cho là sẽ tập trung vào việc xây dựng một tương lai thịnh vượng cho người dân Palestine. Thông tin ban đầu cho biết, kế hoạch này sẽ có thể “không bao gồm một Nhà nước Palestine với chủ quyền đầy đủ và tách biệt”; cũng như không bao gồm “giải pháp hai nhà nước”. Theo đó, Mỹ sẽ cùng phối hợp với Bahrain để tổ chức một hội thảo kinh tế mang tên “Từ Hòa bình tới Thịnh vượng” tại Thủ đô Manama của Bahrain trong hai ngày 25-26/6. Hội thảo dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của lãnh đạo các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp nhằm chia sẻ ý tưởng, thảo luận chiến lược và hỗ trợ cho các sáng kiến và đầu tư kinh tế tiềm năng mà có thể thực hiện được bằng một thỏa thuận hòa bình. Hội thảo này sẽ đặc biệt tập trung vào việc xây dựng một tương lai thịnh vượng cho người dân Palestine. Trước đó, Cố vấn cấp cao Tổng thống Mỹ, Jared Kushner cho biết Washington sẽ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn được biết đến là “thỏa thuận thế kỷ” mà nước này soạn thảo nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine sau tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo.

Những người tỵ nạn Palestine bị thương trong các đợt pháo kích của Israel.

Những người tỵ nạn Palestine bị thương trong các đợt pháo kích của Israel.

Tuy nhiên, sáng kiến của Mỹ đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Palestine. Ngày 19/5, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho biết chính phủ Palestine không được tham vấn về cuộc họp do Mỹ đề xuất vào ngày 25/6 tới tại Thủ đô Manama của Bahrain. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và là thành viên của Ủy ban Điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine Ahhmed Majdalani tuyên bố Palestine sẽ không tham dự cuộc hợp do Mỹ khởi xướng ở Bahrain.

Thực tế cho thấy, bước đi này của Mỹ chưa chắc đã giải quyết được tình hình mà có thể làm tình hình thêm phức tạp. Đó là bởi thái độ thiên vị của Mỹ. Với việc Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel năm 2018 và nhiều chính sách khác, căng thẳng tại Dải Gaza đã gia tăng và diễn biến thành nhiều cuộc xung đột bạo lực đẫm máu vào thứ Sáu hàng tuần. Báo chí Trung Đông cho biết đã có hơn 290 người Palestine ở dải Gaza thiệt mạng do trúng đạn của phía Israel kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 3/2018. Trong khi đó, bạo lực lên đến đỉnh điểm vào ngày 14/5/2018 với 62 người Palestine thiệt mạng. Trung Đông lại tiếp tục chứng kiến một sự leo thang nguy hiểm từ ngày 4/5 vừa qua sau khi các tay súng ở Dải Gaza bắn khoảng 700 quả tên lửa vào khu vực phía Nam Israel để trả đũa việc 4 người Palestine bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trước đó với phía Israel. Israel cũng đã tiến hành hơn 200 cuộc không kích nhằm vào các tòa nhà và căn cứ của các nhóm vũ trang ở Gaza khiến hàng chục từ hai phía người thương vong.

Trong một diễn biến mới nhất, đặc phái viên Liên hợp quốc về Trung Đông Nickolay Mladenov phải đưa ra cảnh báo rằng lệnh ngừng bắn mới đây giữa phong trào Hamas tại Dải Gaza và Israel là “cơ hội cuối cùng” để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra. Trong bối cảnh ấy, giới phân tích cho rằng những bước đi của Mỹ ở khu vực, nhất là việc Mỹ công bố “Thảo thuận thế kỷ” sắp tới có thể đẩy xung đột giữa Israel và Palestine lên đến đỉnh điểm và hai bên sẽ đối mặt nguy cơ của một cuộc chiến tranh tổng lực; đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đi vào bế tắc hoàn toàn.

Bình luận về động thái của Mỹ, tờ The Guardian nhấn mạnh bước đi của Mỹ không thực sự thúc đẩy các cuộc đàm phán mà ngược lại có thể thay đổi các nội dung cơ bản của các quan điểm quốc tế về mô hình hai nhà nước trong giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Chính sách của Tổng thống Trump về vấn đề Palestine đã được chính phủ Israel hoan nghênh, tuy nhiên hậu quả của các động thái của Mỹ có thể đang gây tổn hại đến lợi ích của Israel, cũng như triển vọng giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Việc Mỹ không có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine có thể là “con dao hai lưỡi” khoét sâu hơn những xung đột khu vực. Mặt khác, nó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.


N.Quang
Ý kiến của bạn