Hà Nội

Mỹ khẳng định tiếp tục tuần tra Biển Đông sau vụ xua đuổi của hải quân Trung Quốc

22-05-2015 10:00 | Quốc tế
google news

Mỹ ngày 21/5 đã khẳng định vẫn tiếp tục các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong vùng biển quốc tế sau khi hải quân Trung Quốc xua đuổi một máy bay do thám Mỹ trên không phận gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang cấp tập xây dựng ở Biển Đông.

Một máy bay do thám hiện đại P8-A Poseidon của hải quân Mỹ (Ảnh:
Một máy bay do thám hiện đại P8-A Poseidon của hải quân Mỹ (Ảnh: AFP)

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ về Đông Á, Trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel, hôm qua cho biết trong một cuộc họp báo tại Washington rằng chuyến bay do thám của Mỹ là "hoàn toàn thích hợp". Ông Russel khẳng định các lực lượng hải quân và máy bay quân sự Mỹ sẽ "tiếp tục thực thi đầy đủ quyền hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế".

Ông Russel cho hay Mỹ sẽ còn đi xa hơn để bảo vệ khả năng của tất cả các quốc gia nhằm di chuyển trong vùng biển và không phận quốc tế.

"Không ai trong tâm trí lại cố gắng ngăn chặn hải quân Mỹ hành động - đó là một suy nghĩ tồi", Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh. "Máy bay quân sự Mỹ có thể bay qua vùng biển quốc tế, dù có thách thức hay thắc mắc... Chúng tôi tin rằng mọi các quốc gia và các bên dân sự đều có quyền tiếp cận không giới hạn các vùng biển và không phận quốc tế".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông không biết về vụ việc máy bay Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ.

"Trung Quốc có quyền tham gia vào việc giám sát vùng biển và không phận liên quan để bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn các vụ việc bất ngờ trên biển. Chúng tôi hi vọng quốc gia liên quan nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Hồng Lỗi nói ngày 21/5.

Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo đối với phi hành đoàn của một chiếc P8-A Poseidon, máy bay do thám hiện đại nhất của quân đội Mỹ, khi máy bay này tiến hành các chuyến bay gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông hôm 20/5.

Khi các phi công Mỹ đáp trả rằng máy bay đang bay qua không phận quốc tế, một giọng nói qua radio của Trung Quốc trả lời với sự giận dữ: "Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy đi đi".

Chiếc P8 đã có lúc bay ở mức thấp 4.500 m và một đoạn video do Lầu Năm Góc cung cấp dường như được ghi hình ngay bên trên một đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Vụ việc trên, cùng với các cảnh báo gần đây của Trung Quốc đối với các máy bay quân sự của Philippines nhằm rời khỏi các khu vực quanh quần đảo Trường Sa, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thực thi một khu vực cấm quân sự trên các đảo nhân tạo mới ở đó.

Một số chuyên gia an ninh tỏ ra lo ngại về nguy cơ đối đầu, đặc biệt sau khi một quan chức Mỹ hồi tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều tàu và máy bay quân sự để khẳng định tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Một máy bay do thám hiện đại P8-A Poseidon của hải quân Mỹ (Ảnh:
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại một bãi ngầm ở Trường Sa (Ảnh: AFP)

Hình ảnh được quay từ chiếc P8 trên các đảo nhân tạo mới cho thấy các hoạt động xây dựng và nạo vét của Trung quốc đang diễn ra cấp tập, cùng nhiều tàu hải quân nước này gần đó.

Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công bố video về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và đoạn ghi âm về những thách thức của Trung Quốc đối với một máy bay Mỹ.

Trung Quốc bị cáo buộc đang tiến hành cải tạo, xây dựng phi pháp trên ít nhất 7 bãi đã thuộc quần đảo Trường Sa, theo các bức ảnh được tạp chí quốc phòng Jane’s công bố hồi tháng 2/2015.

Từ máy bay trinh sát P8, các quan chức hải quân Mỹ đã quan sát thấy một trạm radar cảnh báo sớm của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, một trong những bãi đá mà Bắc Kinh đẩy mạnh cải tạo.

Các cơ sở quân trên bãi Chữ Thập, trong đó có một đường băng dài trên 3.000m có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay, một chỉ huy của Mỹ gần đây cho biết. Washington lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng đường băng này để khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn trước các quốc gia nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là "Đường lưỡi bò", lên các vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế của các quốc gia trong khu vực.

 

 


Ý kiến của bạn