Mỹ hủy hội kiến cấp nguyên thủ với Nga

10-08-2013 14:14 | Quốc tế
google news

Nhà Trắng chính thức ra thông báo rằng, cuộc hội kiến giữa Barack Obama và Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G20, tại St-Petersbourg, sẽ không diễn ra đầu tháng tới như dự kiến.

Nhà Trắng chính thức ra thông báo rằng, cuộc hội kiến giữa Barack Obama và Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G20, tại St-Petersbourg, sẽ không diễn ra đầu tháng tới như dự kiến. Bên cạnh bất đồng trên nhiều hồ sơ, chính vụ Snowden - sau khi Matxcơva quyết định cấp giấy tị nạn tạm thời ngày 1/8, khiến quan hệ song phương Nga - Mỹ trở nên đặc biệt căng thẳng. Việc Mỹ hủy bỏ hội kiến cấp nguyên thủ là điều chưa từng xảy ra trong quan hệ song phương kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo hủy bỏ cuộc hội kiến, điện Kremlin đã bày tỏ “nỗi thất vọng” qua phát biểu của ông Iouri Ouchakov, Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Nga. Ông Iouri Ouchakov đưa ra nhận định: “Vấn đề này cho thấy Hoa Kỳ không sẵn sàng làm việc với Nga một cách bình đẳng. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ và lời mời Tổng thống Mỹ tới Nga vẫn còn nguyên giá trị”.

Mỹ hủy hội kiến cấp nguyên thủ với Nga 1Biếm họa về thái độ của Tổng thống Putin trước việc Tổng thống Obama hủy hội kiến.

Việc Nga cấp quy chế tị nạn cho cựu nhân viên tư vấn an ninh Mỹ Edward Snowden, mà Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ, là giọt nước làm tràn ly. Việc ông Snowden - người tố cáo hệ thống nghe trộm quy mô lớn của các cơ quan tình báo Mỹ bị kẹt lại ở một sân bay Nga từ 23/6 gây ra căng thẳng ngoại giao kéo dài trong quan hệ Mỹ - Nga. Trong một cuộc phỏng vấn tối thứ ba, ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ trích Tổng thống Nga Putin làm sống lại không khí của thời Chiến tranh lạnh, sau nhiều động thái không hữu nghị đối với Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

Dù sao Nga và Mỹ đều có thái độ thực tế. Chính vì vậy, bất chấp tuyên bố khác thường về việc hủy bỏ cuộc gặp Obama - Putin. Hợp tác vẫn tiếp tục, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 9/8, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước gặp nhau tại Washington để thảo luận về một loạt vấn đề như Syrie, Iran, Afghanistan và hiệp định mới về giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Tổng thống Mỹ B.Obama đã chịu nhiều chỉ trích trước dư luận trong nước vì tỏ ra quá mềm mỏng đối với Nga. Ông từng bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích trong năm ngoái sau cuộc điện thoại với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, nói rằng ông cần thêm thời gian và sẽ tỏ ra linh động hơn sau khi tái đắc cử chức Tổng thống.

Ngay cả hãng truyền thông tại nước Mỹ, như tờ New York Times, trong ngày 6/8 cũng kêu gọi Nhà Trắng hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Nga. “Không có lý do gì để Tổng thống Obama tham dự, trừ khi ông Putin đảm bảo rằng ông đã chuẩn bị thảo luận các vấn đề gây tranh cãi bấy lâu theo hướng xây dựng nhất có thể” - tờ New York Times nêu vấn đề.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama trên thực tế đã tự mình “đổ xuống sông xuống biển” bao nhiêu nỗ lực mà ông đã dày công vun đắp để xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhà lãnh đạo của xứ sở Bạch Dương. Rõ ràng, để “trả đũa” Tổng thống Putin về vụ Snowden, ông chủ Nhà Trắng đang tự làm mình “bị đau” trước.

Ông Obama dường như cũng đã tự mình phá vỡ hy vọng mà ông tạo ra ngay từ nhiệm kỳ đầu về một sự “tái cài đặt” quan hệ giữa Nga, Mỹ mà theo đó hai siêu cường hàng đầu thế giới có thể tìm được cách tiếp cận chung đối với các vấn đề toàn cầu bất chấp những mâu thuẫn, bất đồng về chính sách.

Chính quyền Mỹ trong thời gian qua đã nỗ lực tìm cách cải thiện quan hệ với Nga bởi hơn ai hết, Washington hiểu rằng, họ rất cần Matxcơva trong một loạt vấn đề trong nước và quốc tế. Nếu không có sự ủng hộ của Nga, Mỹ chẳng thể giải quyết được cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 28 qua ở đất nước Syria. Mỹ cũng cần thiện chí của Nga trong vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân và trong kế hoạch triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Không có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin đồng nghĩa với việc mối tiếp xúc giữa hai siêu cường Nga - Mỹ có sự gián đoạn nhất định. Và như vậy, Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc tìm cách đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra trong vấn đề Syria, lá chắn tên lửa và cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

 (Theo AP, Moscowtimes)

Song Minh


Ý kiến của bạn