Hà Nội

Mỹ hé lộ kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 tăng cường, TT Biden đứng trước nguy cơ bị chỉ trích

18-08-2021 16:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những nhà vận động vì sức khỏe toàn cầu đang lên án sâu sắc kế hoạch dự kiến của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tiêm thêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho những công dân nước này được tiêm chủng đầy đủ.

Mỹ hé lộ kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cường, Biden đứng trước nguy cơ bị chỉ trích toàn cầu - Ảnh 1.

Theo những nhà vận động, kế hoạch này sẽ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu hiện nay.

Việc các quốc gia giàu có triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường có thể khiến tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu.

Kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường của Mỹ

New York Times ngày 18/8 đưa tin, tuần tới, chính phủ Mỹ có thể sẽ thông báo rằng người dân Mỹ cần được tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian 8 tháng sau lần tiêm chủng gần nhất. Đây là một phần trong một chiến dịch có thể bắt đầu vào trung tuần tháng 9 tới.

Chiến dịch được cho rằng sẽ bắt đầu với những mũi tiêm nhắc lại đối với những nhân viên chăm sóc y tế và những người trong các viện dưỡng lão, tiếp theo là người cao tuổi, tất cả những người nằm trong số ưu tiên hàng đầu được tiêm chủng và cuối cùng là công chúng.

­Theo tờ báo, các nhà chức trách Mỹ đang xem xét xem liệu một mũi tiêm thứ 3 cần phải cùng loại với 2 mũi tiêm đầu tiên hay không, đối với 2 loại vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng dược phẩm Moderna và Pfizer. Những người đã được tiêm vaccine 1 liều Johnson & Johnson, vốn chiếm thiểu số tại Mỹ, cũng cần được tiêm bổ sung, tuy nhiên, cần có thêm thông tin cần thiết để đánh giá vấn đề này

Trong khi đó, tờ Washington Post cũng đưa tin, việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 sẽ không được tiến hành cho đến khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua.

Một ủy ban cố vấn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến sẽ họp trong tuần tới để thảo luận về vấn đề này, mở đường sự phê chuẩn của FDA. 

Được biết, chỉ mới đầu tháng 7 vừa qua, FDA và CDC đã phát đi một tuyên bố chung nhấn mạnh rằng những người dân Mỹ đã được tiêm chủng không cần tiêm nhắc lại.

Nghi ngờ hiệu quả của mũi tiêm tăng cường

Jenny Ottenhoff - Giám đốc chính sách cấp cao về y tế và giáo dục toàn cầu tại ONE Campaign cho biết: "Các quốc gia có thu nhập thấp vẫn không có đủ vaccine để tiêm một liều duy nhất cho những người dễ bị tổn thương nhất của họ. Việc Mỹ thực hiện tiêm tăng cường sẽ mở rộng khoảng cách giữa những người được tiêm và người không có vaccine để tiêm. Điều này thực sự sẽ kéo dài đại dịch cho toàn thế giới".

Theo những người vận động vì sức khoẻ toàn cầu, Mỹ cần tập trung chú ý vào việc gửi nhiều liều lượng vaccine ra nước ngoài để ngăn chặn đại dịch tồi tệ hơn.

Theo lý lẽ của các quan chức Nhà Trắng, chính phủ Mỹ muốnn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ biến chứng COVID-19 nào trong tương lai trong khi ưu tiên tiếp cận những công dân nước này còn lại chưa được tiêm chủng.

Nhà Trắng cũng hứa sẽ là nhà lãnh đạo thế giới trong việc tài trợ vaccine ngừa COVID-19 ra nước ngoài, bao gồm việc mua và tặng 500 triệu liều vaccine do Pfizer và BioNtech sản xuất. Trong đó, 200 triệu liều sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay và 300 triệu liều còn lại sẽ được giao vào nửa đầu năm 2022.  Tổng thống Biden và các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng họ đã viện trợ nhiều hơn so với các quốc gia giàu có khác cộng lại

Tuy nhiên, số lượng liều vaccine mà Mỹ chia sẻ vẫn còn thấp hơn nhiều so với hàng tỷ liều cần thiết để tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới.

Bà Carrie Teicher – Giám đốc Tổ chức Bác sĩ không biên giới Mỹ nhận định: "Điều quan trọng hiện này là cần phải phân phối lại và phân bổ gấp nhiều liều lượng cho các nhân viên y tế và các nhóm dân cư có nguy cơ cao ở các nước thu nhập thấp và trung bình để tiêm chủng cho thế giới và chấm dứt đại dịch này".

Tổ chức này kêu gọi Mỹ không chỉ tài trợ thêm liều vaccine trong thời gian ngắn mà còn gây áp lực lên các công ty dược phẩm trong việc chia sẻ công nghệ vaccine trên toàn cầu và mở rộng quy mô sản xuất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lên tiếng kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm nhắc lại, ít nhất là đến tháng 9, khi các quốc gia nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nước giàu đã tiêm trung bình khoảng 100 liều vaccine COVID-19/100 người, trong khi các nước thu nhập thấp - bị cản trở bởi nguồn cung thiếu hụt - chỉ cung cấp khoảng 1,5 liều/100 người.

 "Chúng ta không thể và chúng ta không nên chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vaccine toàn cầu và sử dụng nhiều vaccine hơn, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn không được bảo vệ" – ông Tedros cho biết.

Tiêm chủng an toàn ở TP.HCM



Hà Anh (Theo The Hill)
Ý kiến của bạn