Hà Nội

Mỹ gây sức ép đòi “đổi” thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ châm ngòi cho 1 cuộc khủng hoảng mới?

14-01-2018 15:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 13/1, Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran cùng nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã ký năm 2015.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tuy nhiên Washington yêu cầu phải thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định không khuất phục trước sức ép của Mỹ buộc Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận này. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: "Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào của thỏa thuận, dù hiện nay hay trong tương lai, cũng như không cho phép ghép bất kỳ vấn đề nào khác với JCPOA". "Không thể đàm phán lại JCPOA. Thay vì thành kiến được lặp đi lặp lại, chính Mỹ phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này - giống như Iran", Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter.

Theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington sẽ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận thêm 120 ngày nữa. Trong thời gian này, ông Donald Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.

Hiện chưa có phản ứng từ các nước khác ký JCPOA  hay Liên minh châu Âu (EU) nhưng rõ ràng “quả bóng đang được đẩy sang sân EU. Bởi Thỏa thuận mới theo hình dung của ông Trump sẽ chỉ có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Đức và sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với Iran nếu tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt. Cụ thể, thỏa thuận đó sẽ không bắt đầu hết hiệu lực sau 10 năm giống như thỏa thuận hiện nay mà sẽ áp đặt vĩnh viễn các hạn chế đối với không chỉ các nhà máy hạt nhân của Iran mà cả chương trình tên lửa của nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhắc lại chính sách của ông là ngăn chặn mọi ngả đường để Tehran vĩnh viễn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong ván cờ hạt nhân giữa Iran và Mỹ, đây có thể xem là một nước cờ mới, để các nước có thêm thời gian và cơ hội cân nhắc cho số phận của bản  thỏa thuận mới được hơn 2 năm tuổi này.

Tổng thống Donald Trump “Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phai thay đổi theo hướng cứng rắn hơn”.

Tổng thống Donald Trump “Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phai thay đổi theo hướng cứng rắn hơn”.

Với chính quyền Donald Trump, chỉ có hai phương án- hoặc sửa đổi thỏa thuận hoặc Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Iran thì nói không với bất cứ thay đổi nào. Các nước còn lại trong P5 1 nếu phớt lờ tối hậu thư của Mỹ thì Mỹ sẽ dứt áo ra đi, song nếu ngả theo lập trường của Mỹ thì chẳng khác nào đẩy Iran ra ngoài lề cuộc chơi, và quốc gia Trung Đông này chắc chắn sẽ từ chối thực thi những gì mà họ đã cam kết trong thỏa thuận. Vào lúc này, áp lực đang đè nặng lên vai châu Âu. Đức đang nỗ lực thảo luận với Anh và Pháp để tìm cách cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ ra tối hậu thư. Song EU có toàn tâm toàn ý vào vấn đề này được hay không khi chính trường Đức đang căng như dây đàn với cuộc mặc cả phe phái để thành lập chính phủ, còn Anh thì cũng đang đau đầu với cuộc đàm phán “ly hôn” châu Âu mang tên Brexit, lại là một bài toán khác.

Bước đi của Mỹ được cho là không quá bất ngờ vì Tổng thống Donals Trump đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận được cho là tồi tệ nhất trong mọi thời đại. Thực tế Mỹ có thể tuyên bố không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt theo điều khoản thỏa thuận hạt nhân- cách hiệu quả nhất để xóa bỏ thỏa thuận này. Tuy nhiên, chắc chắn việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế, trong đó có cả các đồng minh châu Âu. Với tối hậu thư đưa ra thì Mỹ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân, kèm theo điều kiện nó cần được sửa đổi. Có một số nhận định rằng, với sức ép gia tăng và các điều kiện khó được đáp ứng có thể buộc Iran phải tự tay xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân này. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là liệu Tổng thống Donald Trump có thuyết phục được 3 nước đối tác châu Âu là Anh, Pháp và Đức ủng hộ một thỏa thuận mới được đàm phán lại hay không.

Cựu cố vấn chính sách của Mỹ Dennis B. Ross cho rằng, Mỹ muốn gây sức ép với Iran thì cần phải có sự ủng hộ của châu Âu. Tuy nhiên nếu các nước châu Âu hiểu rằng bất chấp việc họ có ngồi xuống thảo luận hay không, thì các điều kiện do Mỹ đặt ra cũng khó nhận được sự ủng hộ từ đối tác Iran, khi đó giá trị của thỏa thuận này cũng không còn ý nghĩa.  Cả 3 nước hiện vẫn khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã kí với Iran năm 2015. Tuy nhiên các nước châu Âu lại cho rằng, những gì đang diễn ra tại Iran càng củng cố niềm tin cần bảo vệ thỏa thuận này, vì đây sẽ là một biện pháp răn đe trước bất cứ hành động nào của chính phủ Iran. Chưa nói đến phản ứng của Nga và Trung Quốc, 2 nước mà Mỹ không tính đến trong thỏa thuận mới, việc thuyết phục các đối tác châu Âu chấp nhận tham gia đàm phán lại cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Như vậy tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran – một thỏa thuận lịch sử mà khó khăn lắm các bên mới đạt được vào năm 2015 có nguy cơ chết yểu. Nếu kịch bản xấu đó xảy ra thì sẽ châm ngòi cho những thảm họa không thể lường trước đối với khu vực Trung Đông.


Nhật Quang (Theo BBC, AP, Reuters)
Ý kiến của bạn