Mỹ-EU: Đối đầu vẫn tiếp diễn?

19-03-2017 15:54 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra cuối tuần qua,

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra cuối tuần qua, song kết quả của nó vẫn là bất đồng bao trùm trong nhiều vấn đề như loại trừ cuộc chiến thương mại Mỹ-EU; vấn đề người nhập cư và sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề quốc tế “nóng”.

Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag của Đức hôm 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo, mặc dù châu Âu có thể chống chọi được cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, song một cuộc chiến như vậy sẽ không có lợi cho cả châu Âu lẫn Mỹ. “Cần phải xem xét nghiêm túc những tuyên bố mang tính chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho vấn đề trên”, ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh.

Bất đồng nối tiếp bất đồng

Tuyên bố trên của ông Jean-Claude Juncker đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức lại tỏ rõ sự khác biệt khi trả lời báo chí. Thương mại là một ví dụ. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ là nước chịu thiệt thòi nhất trong các thỏa thuận thương mại ký hàng thập kỷ qua và nhấn mạnh quyết tâm đàm phán các văn kiện “không dẫn tới việc đóng cửa các nhà máy trên đất Mỹ”:  “Tôi không tin vào một chính sách riêng rẽ, song tôi cũng tin rằng, một chính sách thương mại phải là một chính sách công bằng và Mỹ nhiều năm qua đã phải chịu thiệt thòi. Điều này cần phải chấm dứt”, ông Donald Trump nhấn mạnh.

Giới phân tích nhận định đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho Thủ tướng Đức Merkel, người có quan điểm ngược lại với ông Trump trong vấn đề chủ nghĩa bảo hộ. “Ông Trump đã tỏ lập trường rõ ràng”, Le Monde nhận định.

Mỹ-EU: Đối đầu vẫn tiếp diễn?Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên.

Đây cũng là quan điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra trước đó khi nói rằng chính quyền Trump không muốn gặp rắc rối  liên quan đến cuộc chiến thương mại, tuy nhiên, Washington sẽ đòi lại “sự công bằng”.

Một bất đồng nữa có khả năng chia rẽ Mỹ và Đức lớn hơn đó là vấn đề nhập cư.  Với quan điểm cho rằng nhập cư là một đặc ân, chứ không phải là một quyền lợi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao giá trị của người dân Mỹ khi thẳng thắn nói rằng “an ninh của công dân Mỹ phải luôn được đặt lên hàng đầu”. Đây là một đòn giáng mạnh vào quan điểm nhập cư mà Thủ tướng Đức Merkel theo đuổi. Sau khi lên nhậm chức tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã miêu tả quyết định của bà Merkel mở cửa cho hàng trăm nghìn người xin tị nạn vào Đức là một thảm họa. Về phần mình, Thủ tướng Đức công khai chỉ trích sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Mỹ.

Điểm sáng duy nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh là sự nhất trí về quan điểm trong vấn đề NATO. Tổng thống Trump tái khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ” của Washington dành cho NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Trump một lần nữa hối thúc Berlin tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời nhấn mạnh các đồng minh NATO của Mỹ cần phải “đóng góp một cách công bằng” cho chi phí quốc phòng. Theo Wahington Post, Thủ tướng Đức Merkel  nói, Đức sẽ tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, đảm bảo mục tiêu 2% GDP vào năm 2024, một tuyên bố được cho là có thể làm hài lòng Mỹ. Đây là cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên của Thủ tướng Đức, một trong những đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Washington, với Tổng thống Trump kể từ sau khi nước Mỹ thay đổi chính quyền ngày 20/1/2017.

Mối quan hệ Đức - Mỹ được cho là nền tảng của chính sách đối ngoại của Đức và EU, do đó, báo chí Đức đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Donald Trump. “Không ấm, nhưng không xa cách” tờ Süddeutsche Zeitung bình luận. Bild, nhà xuất bản hàng đầu của Đức, nhận định: “Mối quan hệ này là nền tảng của liên minh NATO và rất quan trọng đối với an ninh toàn cầu”.

Người phát ngôn của bà Merkel, Steffen Seibert, nhấn mạnh: “Cuộc gặp đã thể hiện những điểm tích cực”. New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng dù vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, song quan hệ giữa Đức và chính quyền mới tại Mỹ hiện mới chỉ ở giai đoạn thăm dò. Hai bên đều có những lợi ích riêng phải bảo vệ và do đó dù còn bất đồng nhưng Berlin và Washington sẽ không để mối quan hệ này chạm đáy.


N.Quang
Ý kiến của bạn