Mỹ điều chiến hạm thứ 2, Triều Tiên ngăn người Hàn Quốc vào Kaesong

03-04-2013 09:59 | Quốc tế
google news

Mỹ đã điều chiến hạm thứ hai tới Thái Bình Dương, sau khi triển khai một tàu khu trục và một đài radar trên biển, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”. Trong khi đó, Triều Tiên hôm nay đã ngăn người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong.

Mỹ đã điều chiến hạm thứ hai tới Thái Bình Dương, sau khi triển khai một tàu khu trục và một đài radar trên biển, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”. Trong khi đó, Triều Tiên hôm nay đã ngăn người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong.

Mỹ điều chiến hạm thứ 2, Triều Tiên ngăn người Hàn Quốc vào Kaesong  1
Tàu khu trục USS McCain của hải quân Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đường.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ George Little cho hay tàu khu trục USS McCain được trang bị tên lửa dẫn đường đã được điều tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ thống nhất Hàn Quốc hôm nay cho biết Triều Tiên đã trì hoãn việc cho phép các công dân Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong giữa hai miền Triều Tiên trong một động thái hiếm thấy, giữa lúc căng thẳng đang lên cao trên bán đảo Triều Tiên. 

 

Biên giới giữa hai miền Triều Tiên thường mở cửa lúc 8h30 sáng giờ địa phương, nhưng không có thông tin gì từ phía giới chức Triều Tiên trong gần 1 giờ qua. Sự trì hoãn làm bùng phát những lo ngại rằng Triều Tiên có thể đóng cửa khu công nghiệp Kaesong.

Hôm 1/4, Lầu năm góc rói rằng một tàu khu trục cùng lớp, USS Fitzgeral, đã triển khai ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Little sau đó đính chính rằng tàu được điều động là USS Decatur.

“USS Decatur đã tới một địa điểm được quyết định trước ở Tây Thái Bình Dương nhằm thực hiện một sứ mệnh phòng thủ tên lửa”, ông Little nói, nhưng nhấn mạnh rằng các nguồn tin nói các tàu của Mỹ sẽ neo ở ngoài khơi bờ biển Triều Tiên là “không chính xác”.

“Các tàu cũng sẽ giúp bảo vệ các lợi ích của chính chúng tôi, các binh sĩ Mỹ trong khu vực và các đồng minh khác, bao gồm cả Nhật Bản”, ông Little nhấn mạnh.

“Cách đối phó của chúng tôi và các loại vũ khí mà chúng tôi điều động là thận trọng, hợp với lô-gíc và đã được cân nhắc”, phát ngôn viên nói.

Tuy nhiên, ông Little cũng nói thêm: “Tôi cần phải nói rõ ràng lập trường của Mỹ là chúng tôi muốn hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Trong những ngày gần đây, Mỹ đã điều các vũ khí tinh vi nhất tới khu vực nhằm thể hiện chính sách "ngoại giao pháo hạm".

Mỹ đã triển khai một đài radar tinh vi ngoài khơi bờ biển Nhật Bản để đề phòng Triều Tiên. Đài radar SBX-1 của hải quân Mỹ, trông giống một quả bóng khổng lồ được đặt trên một giàn khoan dầu lớn, được thiết kế để phát hiện các tên lửa đạn đạo và cung cấp dữ liệu cho một trung tâm chỉ huy riêng rẽ có thể bắn các tên lửa đánh chặn.

Trước đó, Mỹ cũng có một động thái bất thường khi thông báo điều máy ném bom B-2, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, tới Hàn Quốc.

Mỹ cũng triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và máy bay ném bom B-52 trong khuôn khổ cuộc tập trận quân chung quân sự Mỹ-Hàn mang tên “Đại Bàng Non”, dự kiến kéo dài tới hết tháng 4.

Mỹ quyết bảo vệ chính mình và các đồng minh
 
Mỹ điều chiến hạm thứ 2, Triều Tiên ngăn người Hàn Quốc vào Kaesong  2
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se.

Liên quan tới vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã cam kết sẽ bảo vệ chính mình và các đồng minh trong khu vực sau khi Bình Nhưỡng một lần nữa gia tăng giọng điệu đe dọa.

Ông Kerry đưa ra cam kết trên trong cuộc họp báo tại Washington sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se hiện đang có chuyến thăm Mỹ.

“Hãy để tôi nói rõ tại đây và hôm nay rằng Mỹ sẽ bảo vệ chính mình và đồng minh Hàn Quốc”, ông Kerry nói, và cũng cam kết sát cánh bên Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ cũng sự gia tăng bất thường giọng điệu đe dọa từ chính phủ Triều Tiên trong những ngày gần đây là “không thể chấp nhận được”.

Ông Kerry nói các động thái mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là khiêu khích, “nguy hiểm và liều lĩnh”.

Về phần mình, ông Yun, người có chuyến thăm đầu tiên tới Washington sau khi trở thành ngoại trưởng trong chính quyền mới của tân Tổng thống Park Geun-Hye, đã nhắc lại cam kết của Seoul nhằm hợp tác chặt chẽ với Washington.

“Chúng tôi nhất trí đẩy mạnh hơn nữa sự răn đe mạnh mẽ trước các hành động khiêu khích thông thường và hạt nhân của Bình Nhưỡng”, ông Yun nói.

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Cuộc khủng hoảng đã đi quá xa
 
Mỹ điều chiến hạm thứ 2, Triều Tiên ngăn người Hàn Quốc vào Kaesong  3
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Trong bối cảnh căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên ngày một tăng cao, Ngày 2/4, Bình Nhưỡng đã thông báo các kế hoạch tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon, vốn bị đóng cửa từ năm 2007.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, nhấn mạnh rằng “các mối đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi”.

“Cuộc khủng hoảng hiện thời đã đi quá xa… Mọi thứ cần phải bắt đầu dịu lại”, ông Ban nói, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp với Triều Tiên.

Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và Nga gây áp lực với Bình Nhưỡng để thay đổi kế hoạch tái khởi động tổ hợp Yongbyon.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để giải quyết tình hình “nhạy cảm và phức tạp”.

Bộ ngoại giao Nga cũng lên tiếng cảnh báo về những căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

“Mục đích chính là tránh các viễn cảnh quân sự dùng tới vũ lực. Không thể chấp nhận được khi lợi dụng tình hình trên bán đảo Triều Tiên để đạt được các mục đích chính trị và quân sự cụ thể của ai đó”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Grigoriy Logvinov tuyên bố.

Theo Dân trí

Ý kiến của bạn