Theo đó, Mỹ sẽ không tiếp tục viện trợ miễn phí các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, mà thay vào đó đề xuất Ukraine mua các tổ hợp này.

Mỹ không muốn cung cấp Patriot miễn phí cho Ukraine. (Nguồn: Getty Images)
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu cho hệ thống Patriot đang khan hiếm, tốc độ sản xuất chậm và chính quyền Tổng thống Donald Trump tỏ ra thận trọng hơn, trước nguy cơ làm leo thang xung đột với Nga.
Hệ thống Patriot cạn kiệt, Ukraine rơi vào thế bị động
Theo nguồn tin từ các quan chức tình báo Ukraine và phương Tây, những tổ hợp Patriot từng được chuyển giao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đang nhanh chóng bị tiêu hao.
Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết, Patriot là hệ thống duy nhất hiện có thể đánh chặn hiệu quả các tên lửa đạn đạo Nga như Iskander, loại vũ khí đã gây thương vong nghiêm trọng cho dân thường tại các thành phố Sumy và Kryvyi Rih hồi tháng 4.
Vấn đề trở nên cấp bách hơn khi trong đợt tấn công vào đêm 24-25/5, trùng với kỳ nghỉ Memorial Day của Mỹ, lực lượng phòng không Ukraine không thể đánh chặn bất kỳ trong số chín tên lửa đạn đạo do Nga phóng. Hai trong số đó nhắm vào thủ đô Kiev, cho thấy rõ ràng Ukraine đang thiếu hệ thống đánh chặn tầm cao hiệu quả.
Kiev sẵn sàng mua, nhưng Patriot không dễ sở hữu
Ngày 19/5, trong cuộc họp với đại diện hãng Raytheon – nhà sản xuất hệ thống Patriot, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov khẳng định Kiev sẵn sàng mua các tổ hợp này nếu không thể tiếp tục nhận viện trợ miễn phí. Ông nhấn mạnh rằng việc bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng là "ưu tiên quốc gia".
Tuy nhiên, chi phí cho Patriot là rất lớn, một tổ hợp có thể tiêu tốn tới 1 tỷ USD, trong khi mỗi quả tên lửa đánh chặn có giá khoảng 4 triệu USD. Hơn nữa, nguồn cung cấp Patriot hiện đang bị cạnh tranh gay gắt giữa các đồng minh NATO như Hà Lan, Romania và Đức. Raytheon hiện vẫn đang trong quá trình mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ sau năm 2022.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, Mỹ cũng đang phải tính toán giữ lại một phần kho dự trữ để phòng trường hợp xảy ra xung đột với Iran hoặc các đối thủ tiềm năng khác. Đây là một trong các lý do khiến Mỹ không muốn rút thêm Patriot từ kho dự trữ để hỗ trợ Ukraine.
Nguồn tin từ The Washington Post cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đang vận hành theo tư duy thương mại, không còn duy trì chính sách viện trợ quốc phòng quy mô lớn như trước. Một quan chức Ukraine nói: "Họ suy nghĩ như doanh nhân. Nếu tôi cho bạn thứ gì đó, bạn phải đáp lại bằng thứ gì đó. Chúng tôi sẽ phải thích nghi".
Bên cạnh việc tránh tiêu tốn nguồn lực quốc phòng, Washington cũng tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố công khai về hỗ trợ Ukraine, nhằm tránh kích động phản ứng từ phía Moscow, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các tín hiệu về khả năng nối lại đàm phán hòa bình.
Châu Âu có thể là nguồn cung thay thế
Ukraine hiện vẫn đang tìm kiếm các tổ hợp Patriot tại châu Âu, nhưng tiến trình này không dễ dàng. Mỗi quốc gia đều phải cân nhắc giữa việc hỗ trợ Ukraine và duy trì khả năng phòng thủ của chính mình. Một quan chức Ukraine chia sẻ: "Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với người Mỹ và biết ơn họ vì những hệ thống đã cung cấp, nhưng hiện tại chúng tôi có quá ít – thực sự rất ít".
Phòng không được dự báo sẽ là chủ đề then chốt trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hagel tới trụ sở NATO vào đầu tháng 6 tới. Một số cam kết mới từ các nước châu Âu về hệ thống Patriot có thể được công bố vào thời điểm đó, tuy nhiên nhiều khả năng không đến từ Mỹ.
Báo cáo trước đó từ Không quân Ukraine cho biết, Nga đã hiện đại hóa các loại tên lửa đạn đạo của mình, làm gia tăng độ phức tạp trong việc đánh chặn.