Trong một tuyên bố, Tổng thống Doanld Trump nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là thỏa thuận “tồi và một phía”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết “vẫn để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn”, theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Iran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo. Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran bất kỳ lúc nào.
Tổng thống Iran Rouhani khẳng định sẽ chỉ đối thoại với Mỹ có điều kiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ cam kết thực hiện toàn bộ các lệnh trừng phạt của mình và sẽ phối hợp với các nước đang làm ăn với Iran để đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt này. Ông Trump cũng khẳng định các cá nhân và tổ chức tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải hứng chịu các hậu quả nghiêm trọng. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran kể từ ngày 7/8. Theo một quan chức chính phủ Mỹ, chính sách của Mỹ không phải để thay đổi chế độ cầm quyền ở Iran mà là để điều chỉnh hành vi của nước này.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ thực thi và duy trì lệnh trừng phạt đối với Iran cho đến khi chính quyền Iran thay đổi đường lối. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, việc tái áp đặt các lệnh cấm vận là một trụ cột quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Ông Mike Pompeo khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng thúc đẩy tiến triển với Iran, nhưng việc này “đòi hỏi thay đổi lớn từ phía chính phủ Iran”.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Iran nêu rõ chính quyền Mỹ cần phải chứng minh rằng họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhiều hiệp ước quốc tế khác. Tổng thống Rouhani khẳng định: “Ông Donald Trump và chính phủ của ông ta đã từ chối các cuộc đàm phán và quay trở về chính sách ngoại giao của họ. Những gì ông Donald Trump đang làm là chống lại Iran và chống lại lợi ích của chúng tôi. Iran sẵn sàng cho các giải pháp ngoại giao nếu phía Mỹ cho thấy sự trung thực”.
Tổng thống Iran Rouhani nói rằng người kêu gọi đối thoại vô điều kiện cũng là người quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, áp đặt các biện pháp trừng phạt chống nhân dân Iran là một cuộc chiến tranh tâm lý và sử dụng chúng cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ trong những tháng tới. Ông Rouhani nhấn mạnh Iran đã có được những kinh nghiệm tốt trước những sức ép như hiện nay, đồng thời khẳng định chỉ đối thoại với Mỹ có điều kiện.
Quan hệ Mỹ - Iran ngày một căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào nước này cách đây 90 ngày. Thỏa thuận 6 bên đạt được năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama được xem là giải pháp để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Quyết định rời bỏ thỏa thuận của Mỹ được coi là gây chia rẽ lớn quan hệ Mỹ và EU khi các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn ủng hộ thỏa thuận với Iran và tuyên bố sẽ không rút khỏi thỏa thuận. EU và các nước như Anh, Pháp, Đức tuyên bố sẽ áp dụng “điều khoản ngăn chặn” để bác mọi trừng phạt pháp lý mà Mỹ có thể nhắm vào các công ty của châu Âu làm ăn kinh doanh với Iran. EU và các quốc gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 bao gồm Nga và Trung Quốc đang tìm cách duy trì thương mại với Iran, nước đã dọa sẽ ngừng tuân thủ cắt giảm các hoạt động hạt nhân nếu không đạt được các lợi ích kinh tế của việc giảm trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 6/8 cho rằng Iran nên ngồi vào bàn đàm phán nếu muốn tránh bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Theo ông John Bolton, Iran nên chấp nhận lời đề nghị đàm phán của tổng thống Trump nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình một cách toàn diện và có thể xác định.