Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tiết lô một thông tin chấn động là hồi năm 2010, sau vụ Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc đã lên kế hoạch tấn công trả đũa, vùi dập đối thủ.
Lật lại vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc (1):
Tại các hiệu sách ở nước Mỹ đang bán cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng thứ 22 của Mỹ, liên nhiệm dưới thời hai Tổng thống George Bush và Barack Obama. Ông rời Lầu Năm Góc hồi mùa hè năm 2011. Trên cương vị lãnh đạo cơ cấu quân sự lớn nhất toàn cầu từ tháng 12/2006 đến tháng 7/2011, Robert Gates đã trải nghiệm những thời khắc quyết định đối với Hoa Kỳ và cả các đồng minh.
Trong cuốn hồi ký dài 600 trang nhan đề: “Duty: Memoirs of a Secretary at War” (Tạm dịch là “Trách nhiệm: Hồi ức của một Bộ trưởng quốc phòng thời chiến”), ông đã nhớ lại những sự kiện xảy ra năm 2010, khoảng thời gian ngay sau khi pháo binh Triều Tiên nã đạn vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Hồi ức của cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về những sự kiện này buộc chúng ta phải có cái nhìn khác về những vấn đề hôm nay trên bán đảo Triều Tiên.
Vào lúc 14h34 (12h34 giờ Hà Nội) chiều 23-11-2010, Triều Tiên đã bất ngờ nã khoảng 200 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong, nằm gần đường ranh giới trên vùng biển tranh chấp giữa hai bên ở Hoàng Hải. Hòn đảo này nằm ở phía tây bán đảo Triều Tiên, có khoảng 1.300 người sinh sống cùng với một số cơ sở quân sự. Vụ pháo kích diễn ra ngay sau khi Hải quân Hàn Quốc vừa bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần Triều Tiên.
Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên từng là nơi diễn ra nhiều cuộc khủng hoảng trước đây và đến tận bây giờ nó là khu vực nguy hiểm nhất. Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên cao kể từ hồi tháng 3-2010 khi tàu Cheonan của hải quân Hàn Quốc bị chìm ở vùng biển Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul buộc tội Bình Nhưỡng đã đánh chìm tàu của họ. Một ủy ban điều tra quốc tế cũng khẳng định điều này, song Triều Tiên một mực bác bỏ.
Trước vụ tàu Cheonan chìm, đã có ba cuộc đụng độ giữa hải quân hai bên xung quanh đường ranh giới phân chia lãnh thổ hai bên. Đây là hải giới trên thực tế được lực lượng của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu vạch ra năm 1953. Triều Tiên không công nhận và cho rằng hải giới cần lùi xuống phía nam. Từ đó, 2 bên đã liên tiếp có những vụ va chạm hải quân ở khu vực biển này.
Vụ pháo kích bất ngờ khiến khoảng 60 ngôi nhà trên đảo Yeonpyeong bốc cháy và người dân địa phương tháo chạy trong hoảng loạn. Có 2 lính thủy đánh bộ thiệt mạng cùng 13 binh sĩ và hai thường dân bị thương. Hàn Quốc lập tức yêu cầu người dân trên đảo xuống nơi trú ẩn và bắn trả sang Triều Tiên khoảng 80 quả đạn pháo. Ngay sau đó, Truyền hình Hàn Quốc đã công bố với thế giới hình ảnh những cột khói lớn bốc lên từ hòn đảo Yeonpyeong.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh trong hầm ngầm ở dinh tổng thống và ra lệnh áp dụng những biện pháp cần thiết. Seoul cũng nghi ngờ vụ nã pháo này có liên hệ với cuộc tập trận của hải quân Hàn Quốc, ở vùng biển phía tây gần nơi xảy ra vụ tấn công của Triều Tiên, vì trước đó Bình Nhưỡng đã gửi thư phản đối và yêu cầu Seoul dừng cuộc tập trận này nhưng không được đáp ứng.
Hành động của Triều Tiên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này giải thích rằng: “Phía các vị (Hàn Quốc và Hoa Kỳ) đã diễn tập bắn đạn thật ngay trong khu vực quản lý của chúng tôi. Đây chỉ là hành động đáp trả có chừng mực và là hành vi tự vệ của Chính phủ Triều Tiên”.
Vụ tấn công kinh hoàng trên đã khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang cực kì căng thẳng. Cộng đồng quốc tế đã lên án hành động vô cớ nã pháo và rocket của Triều Tiên vào Yeonpyeong khiến nhiều dân thường bị thương. Liên hợp quốc cũng chính thức lên tiếng sau vụ tấn công: “Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi Hiệp đình đình chiến Nam Bắc được ký kết vào năm 1953”.
Theo lời kể của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, sau khi đảo Yeonpyeong bị tấn công, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Lee Myung-Bak cũng đã ngay lập tức ra lệnh đáp trả bằng hành động quân sự mạnh mẽ. Ngoài việc bắn trả Triều Tiên bằng pháo, Hàn Quốc đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất, máy bay chiến đấu F-16, trực thăng vũ trang, radar cảnh giới của Hàn Quốc đã được lệnh thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Nắm được ý định này, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã liên tục có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp của Hàn Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Kết quả, Chính phủ Hàn Quốc đã rút lại kế hoạch tấn công trả đũa Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã thoát khỏi một cuộc tấn công trả đũa bằng cả không kích và pháo kích mang tính chất “vùi dập” từ Seoul.
(Còn nữa)
Theo ANTĐ