Mỹ, Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm

18-12-2014 09:00 | Quốc tế
google news

Hôm qua 17/12, Mỹ và Cuba đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thập kỷ gián đoạn, động thái được dư luận 2 nước nhiệt liệt hưởng ứng.

Trong tuyên bố ngày hôm qua từ thủ đô La Habana, Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau 53 năm gián đoạn.

“Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ”, ông Raul Castro nói trong bài phát biểu trước quốc dân.

Gần như cùng lúc, từ thủ đô Washington DC, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định "một chương mới" đã được mở ra trong quan hệ với Cuba.

“Trong một sự thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách trong hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời nhiều thập kỷ qua không thúc đẩy được các lợi ích của Mỹ để thay vào đó sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba”, ông Obama nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh “cách tiếp cận lỗi thời" xưa nay (với Cuba) không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương vốn đã bị đình trệ kể từ năm 1961 tới nay. Ông Obama bày tỏ mong muốn thảo luận với Quốc hội về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba và chỉ thị Ngoại trưởng John Kerry xúc tiến các bước đi tiếp theo cho việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Quyết định lịch sử trên được đưa ra sau một loạt cuộc đàm phán bí mật cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong suốt 9 tháng qua dưới sự bắc cầu của Tòa thánh Vatican và chính phủ Canada. Trong đó, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đã có cuộc điện đàm trực tiếp ngày 17/12 để đi đến thống nhất cuối cùng về khôi phục quan hệ song phương cũng như mở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước.

“Cuba trân trọng cảm ơn Tòa thánh Vatican và trực tiếp là Giáo hoàng Francis đã đứng ra làm trung gian giúp hai bên xích lại gần nhau, cũng như chính phủ Canada đã hỗ trợ hậu cần giúp phái đoàn hai nước thực hiện các cuộc đàm phán bí mật”, Chủ tịch Raul nói.

Trước khi thông tin trên được đưa ra, Cuba đã trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross và một điệp viên người Cuba làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại, phía Mỹ cũng phóng thích 3 trong số 5 chiến sỹ tình báo Cuba bị Mỹ kết án tù giam từ năm 2001. Trước đó 2 chiến sỹ Rene Gonzalez và Fernando Gonzalez đã được trả tự do sau khi hoàn thành bản án tù giam.

Phía Cuba cho biết công dân Mỹ Alan Gross được trả tự do sau khi đã hoàn thành 5 năm trong bản án 15 năm tù giam vì tội danh xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và hoạt động gián điệp tại Cuba.

Ông Alan Gross là nhân viên hợp đồng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bị Cuba bắt giữ từ tháng 12/2009 khi đang phân phát thiết bị viễn thông cho những người Do Thái sống tại Cuba với mưu đồ thiết lập các mạng lưới bên trong nhằm kích động các hoạt động chống phá hòng gây bất ổn tình hình.

Sự kiện ông Alan Gross được trả tự do là một phần trong thỏa thuận mà chính phủ hai nước đã đạt được.

Mỹ, Cuba khôi phục quan hệ sau hơn 50 năm gián đoạn

Công dân Mỹ Alan Gross rời Cuba trên một chuyên cơ của Mỹ và trở về nước ngày 17/12 trong thỏa thuận trao đổi giữa hai nước.

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba năm 1960 và hai nước không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1961. Tuy nhiên, hiện chưa biết vấn đề mang tính quyết định là cấm vận thương mại của Mỹ đối với quốc đảo Caribe này có được sớm dỡ bỏ hay không.

Mặc dù được chờ đợi từ nhiều thập kỷ qua, nhưng dư luận hai nước cũng như thế giới hoàn toàn bất ngờ về quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.

Tại Miami, bình luận viên kỳ cựu của truyền hình và đài phát thanh người Mỹ gốc Cuba, ông Max Lesnik mô tả sự thay đổi này là “diễn biến có ý nghĩa nhất trong nhiều năm qua trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba”. Ông cho rằng giờ đây là thời điểm bước ngoặt để Mỹ và Cuba hàn gắn lại quan hệ.

Các Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy, Jeff Flake và Hạ nghị sỹ Chris Van Hollen - những người trở về thủ đô Washington sáng 17/12 trên cùng chuyến bay với Alan Gross - ra tuyên bố chung hoan nghênh việc Cuba phóng thích Alan Gross, cho rằng Tổng thống Obama đã khôn ngoan khi vạch ra một tiến trình mới về Cuba, phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu cũng như trên toàn thế giới.

Thượng nghị sỹ Richard Durbin - thành viên cao cấp của đảng Dân chủ tại Thượng viện - hoan nghênh nỗ lực hơn một năm qua của chính quyền Obama. “Tôi đã nói chuyện nhiều lần với Tổng thống trong những năm qua và được biết mục tiêu của Tổng thống là thay đổi chính sách của Mỹ với Cuba”, ông tiết lộ.

Kết quả thăm dò mới nhất cho biết ở thời điểm năm 2014 có 60% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Tỷ lệ này ở giới trẻ lên tới 90%.

Có 69% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ việc bãi bỏ những hạn chế đi lại và du lịch sang Cuba. 53% tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho chính khách nào có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Có tới 71% cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua không mang lại hiệu quả hoặc chỉ mang lại chút ít hiệu quả.

Các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các ngân hàng, cũng ủng hộ mạnh mẽ quyết định này vì sẽ cho phép thiết lập các mối quan hệ làm ăn và thương mại với Cuba.

Tuy nhiên, một số nghị sỹ Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối quyết định của chính quyền Obama, trong đó có Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez, một trong hai Thượng nghị sỹ Mỹ gốc Cuba. Ông Menendez cho rằng chính quyền Obama đã phạm sai lầm khi trao đổi các công dân Mỹ “không có tội” với những người phạm tội hoạt động tình báo chống lợi ích của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio tuyên bố sẽ ngăn chặn sự thay đổi “nguy hiểm” này của Tổng thống Obama.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner, cũng ra tuyên bố phản đối chủ trương của chính quyền Obama.

 


Ý kiến của bạn