Gói viện trợ này bao gồm tên lửa cho hệ thống phòng không NASAMS, tên lửa Stinger, đạn cho bệ phóng HIMARS và đạn pháo.
Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với khoảng 50 đồng minh và đối tác để đáp ứng các nhu cầu cấp bách trên các mặt trận của Ukraine.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ngày 16/10, ông Biden đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ an ninh cùng với các đối tác quốc tế, nhằm đảm bảo rằng Ukraine có đủ trang thiết bị cần thiết để giành chiến thắng trong chiến dịch.
Cũng trong ngày 16/10, Tổng thống Ukraine công bố một "kế hoạch chiến thắng" gồm năm điểm. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận chính thức từ các nước phương Tây.
NATO đến nay vẫn từ chối lời đề nghị của ông Zelensky về việc Ukraine tham gia liên minh ngay lập tức, cũng như không đồng ý dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp, để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Phía Ukraine cho rằng, những hạn chế này cùng với sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí là một phần nguyên nhân khiến nước này gặp khó khăn trên chiến trường, trong bối cảnh Nga đang chiếm thêm nhiều lãnh thổ ở Donbass.
Phản ứng trước kế hoạch của ông Zelensky, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gọi đó là "một loạt các khẩu hiệu không mạch lạc". Moscow đã nhiều lần khẳng định rằng cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết dựa trên các điều kiện do Nga đưa ra.