Mỹ có đang chơi chính sách “hai mặt” với Iran?

20-07-2017 14:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump một mặt thừa nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, nhưng mặt khác vẫn kiên quyết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nước này. Động cơ thật sự của hành động này là gì? Liệu có phải đây là hành động khiến bầu không khí ở vùng Vịnh này càng trở nên căng thẳng?

Không chỉ dư luận Iran mà nhiều chuyên gia quốc tế cũng đặt dấu hỏi về việc liệu Mỹ có đang chơi trò 2 mặt ở Iran? Khi mà Iran đang tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân, liệu có hợp lý không khi các lệnh trừng phạt được ban ra.

Bầu không khí căng thẳng bao trùm Trung Đông

Khi Bộ Tài chính Mỹ công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào 18 cá nhân và tổ chức của Iran vì bị cáo buộc có các hành động phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện có lấy các chương trình phần mềm của Mỹ hoặc các nước phương Tây để bán cho Iran. Theo đó Mỹ đã phong tỏa tài sản cá nhân và tổ chức trên. Lệnh trừng phạt được đưa ra chỉ sau 1 ngày Mỹ công nhận Iran đang tuân thủ  Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) còn gọi là  Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Lý do của các biện pháp trừng phạt đó là Mỹ đã cáo buộc  Iran  phát triển chương trình tên lửa đạn đạo mặc dù Tehran luôn khẳng định chương trình tên lửa của mình chỉ mang mục đích phòng vệ, nghiêm trọng hơn là Washington coi Tehran hỗ trợ các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Cụ  thể, Mỹ cho rằng Iran đang ủng hộ lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas ở Palestine, và lực lượng Houthi ở Yemen.

Những lo ngại của Mỹ là có cơ sở, bởi không chỉ Mỹ, nhiều nước phương Tây cũng cho rằng từ chương trình tên lửa đạn đạo của mình, Iran  có thể tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân một cách dễ dàng. Đáp lại lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran cũng ngay lập tức “trả miếng”, rằng nước này sẽ trừng phạt các cá nhân và tổ chức Mỹ có hành động chống Iran.

Chương trình tên lửa của Iran khiến Mỹ lo ngại

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ "đầu độc bầu không khí" và vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân.

Iran có phải là mối đe dọa với lợi ích của Mỹ ở khu vực?

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi mới đây, trong một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công khai “chọc giận” Iran khi nói rằng Mỹ đang theo đuổi thay đổi chế độ ở Iran.  Để làm được điều này là rất khó, nhưng lời nói của ông Tillerson  phần nào cũng thể hiện rõ ý định của Mỹ với quốc gia Trung Đông này. Xét về lợi ích chính trị, tại chiến trường Syria, Iran đang ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, điều này chắc chắn không làm vừa lòng người Mỹ.  Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn cho biết, Iran đang có âm mưu làm “bá chủ” khu vực Trung Đông, gây ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ và làm suy yếu chính sách của Mỹ tại khu vực.

Vũ khí và khí tài của Iran.

Phải thừa nhận rằng, hiện nay Iran không còn là quốc gia của những năm 50, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của quốc gia này ngày càng gia tăng trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà liên minh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran lại đạt thỏa thuận về tình hình Syria chứ không phải là liên minh do Mỹ đứng đầu.  Điều này cho thấy vai trò của Iran ở khu vực đã không còn như trước đây. Tại Iraq, mặc dù Iran không tốn nhiều súng đạn và tiền của vào cuộc chiến tranh Iraq như Mỹ nhưng chiến thắng ở chiến trường này không phải là Mỹ mà chính là Iran. 14 năm người Mỹ chiến đấu ở Iraq nhưng đều mang danh là những “kẻ xâm lược”, trong khi Iran thiết lập ảnh hưởng ở  Iraq bằng con đường tôn giáo, mới mục tiêu biến Iraq trở thành hành lang mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tới Lebanon, Syria, Yemen, Afghanistan và ra cả khu vực.

Như vậy, nếu Iran vươn lên tầm ảnh hưởng trong khu vực sẽ gây khó khăn cho chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ đặc biệt coi trọng khu vực Trung Đông, nhiều học giả cho rằng, Mỹ đang dịch chuyển từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương sang Trung Đông, do khu vực này không chỉ có nhiều tài nguyên mà có vị trí địa chiến lược, quân sự rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới Mỹ một mặt tiếp tục gia tăng quan hệ với các quốc gia đồng minh trong khu vực, mặt khác sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn với những quốc gia khó chơi như Iran. Và chắc chắn rằng Mỹ không thể coi thường Iran bởi nước này không còn là quốc gia Iran nhỏ bé như vài chục năm trước đây.


Hải Yến
Ý kiến của bạn