Theo phân tích ngân sách quân sự Mỹ do RIA Novosti thực hiện, Washington đã gửi đến Kiev các tên lửa ATACMS cũ, một loại vũ khí sắp hết hạn sử dụng vào năm tới.
Tên lửa ATACMS, theo phân tích, không phải là công nghệ vũ khí tối tân nhất trong kho dự trữ của Mỹ. Quyết định gửi chúng đến Ukraine không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho Lầu Năm Góc (bởi tên lửa này sẽ sớm trở nên lỗi thời) mà còn cho phép Mỹ tận dụng nguồn ngân sách để hiện đại hóa năng lực quân sự.
Trang web Giám sát Ukraine, chuyên theo dõi các khoản viện trợ quân sự của Mỹ, tiết lộ rằng từ tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã nâng mức giới hạn cung cấp vũ khí lên tới 33,3 tỷ USD. Đồng thời, Lầu Năm Góc nhận được 45,8 tỷ USD để tái bổ sung kho vũ khí – con số này vượt xa giá trị các loại vũ khí đã chuyển giao cho Ukraine.
Ngoài ra, một khoản ngân sách bổ sung 32,7 tỷ USD thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) được sử dụng để mua vũ khí từ các nguồn quốc tế.
Mỹ đang đặt mục tiêu chuyển nốt 5,5 tỷ USD viện trợ quân sự còn lại trước ngày 20/1/2025, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể nhậm chức. Ông Trump từng cam kết xem xét lại các chính sách cung cấp viện trợ, điều này có thể dẫn đến thay đổi lớn trong quan hệ Washington-Kiev.
Gần đây, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ukraine, ngày 19/11, lực lượng nước này đã phóng 6 tên lửa ATACMS vào khu vực Bryansk của Nga trong đêm, nhưng các hệ thống phòng không Nga đã ngăn chặn được cuộc tấn công.
Động thái này càng làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước NATO. Cũng trong ngày 19/11, Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn một tài liệu về "Nguyên tắc cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân" của Nga.
Văn kiện này khẳng định Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào nhằm vào nước này hoặc các đồng minh.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động gây hấn nào từ quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân đều sẽ bị coi là hành động tấn công chung.
Tổng thống Putin cảnh báo rằng sự can dự trực tiếp của NATO vào xung đột ở Ukraine, đặc biệt thông qua việc cung cấp vũ khí tầm xa, có thể làm thay đổi bản chất của cuộc đối đầu, biến nó thành xung đột giữa Nga và các thành viên NATO, bao gồm Mỹ và châu Âu.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao do phương Tây sản xuất, như máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa, được thực hiện với sự hỗ trợ từ các chuyên gia quân sự của NATO. Điều này đồng nghĩa với việc các nước phương Tây không chỉ gián tiếp mà còn trực tiếp tham gia vào chiến dịch
"Chúng tôi sẽ đánh giá và hành động dựa trên những mối đe dọa thực tế đang nổi lên", Tổng thống Putin khẳng định, nhấn mạnh Nga sẵn sàng đáp trả mọi thách thức từ phương Tây.