Hà Nội

Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem: Nguy cơ bùng phát đối đẩu căng thẳng mới tại Trung Đông

13-05-2018 17:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hôm nay (14/5), dự kiến, Mỹ chính thức khai trương đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Đây là sự kiện được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, có thể khơi mào cho những căng thẳng mới.

Trong 2 ngày cuối tuần qua, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel đã bước sang tuần thứ 7, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 170 người khác bị thương. Theo số liệu của một tổ chức từ thiện, tổng số trẻ em bị thương đã lên đến gần 700 người.

Dự kiến các cuộc biểu tình sẽ lên đến đỉnh điểm vào hôm nay (14/05) khi Mỹ chuyển Đại sứ quán từ thủ đô Tel Aviv của Israel về Jerusalem. Ứớc tính sẽ có hàng chục nghìn người tại Gaza tham gia biểu tình ở khu vực biên giới giữa Dải Gaza và Israel đặc biệt là ngày mai (15/5) - thời điểm đánh dấu hàng trăm nghìn người Palestine phải rời đi khi Nhà nước IsraeL ra đời năm 1948.

Bùng phát xung đột?

Chiều tối 6/12 (tức rạng sáng 7/12 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Dù đã thông báo trước, nhưng động thái của chính quyền Mỹ vẫn tạo ra một “cú sốc” với toàn Trung Đông và thế giới A-rập. Ngay lập tức, các nước A-rập đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Mỹ và cảnh báo “chiến tranh tôn giáo” sẽ bùng phát. Trước đó, phát biểu tại Nhà Trắng hôm 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh “Trong 7 thập niên qua, nhân dân Israel đã xây dựng một quốc gia nơi mà người Do thái, Hồi giáo, Ky tô giáo, và những người thuộc đủ mọi tín ngưỡng được tự do sống và thờ phụng, theo lương tâm và niềm tin tín ngưỡng của họ. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ qua, chúng ta đã không tiến gần tới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine”.

Biển chỉ đường tới sứ quán Mỹ tại Jerusalem

Biển chỉ đường tới sứ quán Mỹ tại Jerusalem

Từ trước đến nay, chủ quyền tại Jerusalem luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel- Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Lật lại lịch sử, năm 1947, khi Israel lập quốc, LHQ đã đề xuất trao 56,47% lãnh thổ Palestine để thành lập nhà nước Do Thái và 43,53% để thành lập nhà nước Arập, còn Jerusalem nằm dưới sự quản lý của LHQ. Tuy nhiên, người Palestine đã không chấp nhận đề xuất này và do đó, Jerusalem luôn trở thành tâm điểm tranh chấp giữa các bên cho đến khi Israel chiếm hoàn toàn Jerusalem sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Trên thực tế, quyết định của ông Trump được cho là không dựa trên bất cứ một tính toán ngoại giao nào mà chỉ đơn thuần là thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được cho là bằng chứng cho thấy Mỹ thay đổi chính sách Trung Đông, từ bỏ lập trường trung lập, công khai ủng hộ Nhà nước Do Thái.

Theo giới phân tích, quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem bắt đầu từ hôm nay (14/05) đã khiến tiến trình hòa bình Trung Đông càng bế tắc. Trong một động thái mới nhất, các quan chức Palestine kêu gọi các nhà ngoại giao, các quan chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự tẩy chay buổi lễ chuyển Đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vừa kết thúc chuyến thăm 3 nước Mỹ Latinh bao gồmVenezuela, Chile và Cuba, kêu gọi các nước khu vực không nên làm theo quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.       “ Quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem đi ngược lại sự hợp pháp quốc tế. Quyết định này Mỹ cũng ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ là một quốc gia hòa giải xung đột Israel-Palestine, với việc gia tăng sự ủng hộ đối với Israel”.

Bản đồ đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem

Bản đồ đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem

Sau khi Paragoay và Goatemala thông báo sẽ chuyển Đại sứ quán về Giê-ru-xa-lem trong tháng 5 này, giới quan sát nhận định, các quốc gia cần thận trọng trong những bước đi của mình, tránh đổ  “thêm dầu vào lửa” vào Trung Đông. Nhiều dự báo cho thấy, việc Mỹ chuyển đại sứ quán về Jerusalem hôm nay sẽ đẩy tình hình Trung Đông vào một vòng xoáy căng thẳng mới rất khó kiểm soát.

Việc di chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem được cho là động chạm tới vấn đề nhạy cảm nhất đó là tôn giáo với khoảng 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Sau quyết dịnh này, rất có thể người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ khởi xướng một làn sóng mới chống lại người Mỹ, cũng như các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Quyết định trên cũng có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn được các chính quyền Mỹ trước đó và nhiều nước khác như Liên minh châu Âu, cộng đồng Hồi giáo, thế giới Ả rập ủng hộ.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn