Mỹ chưa tăng lãi suất, các nhà đầu tư lo lắng

21-09-2015 07:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngân hàng Trung ương Mỹ FED duy trì mức lãi suất chỉ đạo 0% gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Động thái này của FED đã làm chấn động các sàn chứng khoán.

Ngân hàng Trung ương Mỹ FED duy trì mức lãi suất chỉ đạo 0% gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Động thái này của FED đã làm chấn động các sàn chứng khoán. Chỉ số chứng khoán Paris, CAC40 bị sụt mất 2,56%. Frankfurt mất 3,06% và Luân Đôn là 1,34%. Rõ ràng là FED đang làm cho các nhà đầu tư lo ngại.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đâu là tác động của cuộc khủng hoảng này lên các nước đã phát triển, vào lúc ngoại tệ và cổ phiếu sụt giá thê thảm. Nhưng theo quan sát của các chuyên gia, chính “thị trường các nước mới trỗi dậy đang bị Trung Quốc và FED giam hãm”. Tuy các thị trường mới nổi lên này cảm thấy thở phào nhẹ nhõm trước quyết định giữ nguyên hiện trạng của FED, nhưng điều đó cũng không đem lại cho họ chút tia hy vọng nào. Các nhà đầu tư biết rất rõ là Hoa Kỳ rồi cũng sẽ tăng lãi suất chỉ đạo. Và điều này sẽ làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề cho các nước này, trong khi đang chịu tác động mạnh do sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Tại các nước xuất khẩu dầu khí và nguyên nhiên liệu, như Nga và Brazil chẳng hạn, giá bán trên thế giới sụt giảm đã nhấn chìm hai nền kinh tế lớn mới trỗi dậy vào tình trạng suy thoái. Còn tại các nước nhập khẩu dầu, đương nhiên giá dầu giảm là điều có lợi, nhưng việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ đã đặt đồng nội tệ của những nước này dưới một áp lực lớn, đồng thời làm dấy lên nỗi sợ tăng trưởng Trung Quốc trì trệ.

Mỹ chưa tăng lãi suất, các nhà đầu tư lo lắng
Mọi điều chỉnh về lãi suất của FED sẽ tác động đến toàn thế giới.

 

Trước toàn cảnh nền kinh tế đen tối, không chỉ có IMF cảm thấy lo lắng. Trong một nghiên cứu gần đây, ngân hàng Goldman Sachs còn lo ngại rằng các nền kinh tế mới trỗi dậy có nguy cơ làm gia tăng hơn nữa tác động của việc kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn lên các nền kinh tế đã phát triển. Do vì ít giàu hơn, nên những quốc gia đó được trang bị kém hơn để bảo vệ đồng nội tệ và hỗ trợ cho tăng trưởng đang trong thế dao động. Hơn nữa, vì bị lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, nên việc tiếp cận những yếu kém của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này sẽ có những tác động lên các quốc gia này nhiều hơn là vào châu Âu hay Hoa Kỳ. Nhưng đối với nhiều chuyên gia, đây cũng có thể sẽ là một thách thức lớn cho các thị trường trái phiếu châu Âu và Hoa Kỳ trong trường hợp đồng nội tệ của các nền kinh tế mới trỗi dậy bị tấn công.

“Để bảo vệ đồng nội tệ, ngân hàng trung ương các nước sẽ phải vét sạch nguồn dự trữ ngoại tệ bằng cách bán ra những trái phiếu của Chính phủ Hoa Kỳ và châu Âu mà những ngân hàng này đang nắm giữ với rủi ro đẩy mạnh bất ngờ các lãi suất” - nhận định của một chuyên gia về các nước mới trỗi dậy. Rõ ràng là trong trường hợp này, các nền kinh tế mới nổi lên như đang trong thế “trên đe dưới búa”. Dù vậy, tất cả các nhà quan sát đều đồng ý trên một điểm: sớm muộn gì Cục dự trữ Liên bang Mỹ cũng phải tăng lãi suất. Bởi sau khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, FED đã lập tức hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Mỹ khi đó là Ben Bernanke đã không che giấu là sẽ giữ lãi suất chỉ đạo ở gần như số 0 để tạo đà cho tăng trưởng và nhất là cho tới khi nào tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ rơi xuống dưới ngưỡng 5,6 %.

Giờ đây, nước Mỹ đã hoàn toàn bình phục sau cơn bão tài chính hồi mùa thu 2008. Tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 5,1%, tức là đã rơi xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Kinh tế Hoa Kỳ không phải đối mặt với lạm phát nhờ giá năng lượng và nguyên, nhiên liệu giảm mạnh trong một năm trở lại đây. Các dự báo tăng trưởng đều cho thấy GDP của Hoa Kỳ trong năm nay dao động ở khoảng 2,5%, sau khi đã đạt thành tích vượt bậc 2,4 % vào năm ngoái.

Một khi đã đạt được cả hai mục tiêu chính là ổn định giá cả và cân bằng thị trường lao động, FED không có lý do gì để tiếp tục giữ lãi suất chỉ đạo ở mức thấp kỷ lục. Đó là chưa kể, nếu kéo dài chính sách “tiền rẻ”, FED có nguy cơ khuyến khích giới đầu cơ thổi nên một quả bóng tài chính mới, với những hậu quả tai hại khó lường. Tuy nhiên, nếu như mọi người đều đồng ý là FED sẽ tăng lãi suất chỉ đạo, thì các chuyên gia lại bất đồng về thời điểm để FED đưa ra quyết định trên.

(Theo AFP, Le Figaro)

Lê Sơn

 

 


Ý kiến của bạn