Hà Nội

Mỹ chính thức áp thuế EU - Cuộc chiến mới giữa hai đồng minh

08-10-2019 15:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Từ ngày 8/10, Mỹ đã bắt đầu áp mức thuế 10% đối với các loại máy bay của hãng Airbus sản xuất tại châu Âu, và mức thuế 25% đối với rượu vang Pháp, rượu whisky của Scotland và Ireland, cũng như các loại pho mát có xuất xứ từ châu Âu. Động thái trên cho thấy một cuộc chiến mới giữa Mỹ và EU đã bắt đầu.

Động thái này diễn ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 2/10 ra một phán quyết "bật đèn xanh" cho Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật. Trong danh sách các nước châu Âu bị Mỹ áp thuế thì Pháp là nước gánh chịu thiệt hại nặng nhất. Theo ước tính, thiệt hại của Pháp là vào khoảng 2,4 tỷ euro trong tổng số 6,8 tỷ euro mà Mỹ áp thuế lên các sản phẩm của châu Âu. Theo thống kê, rượu vang Pháp xuất khoảng 1 tỷ euro hàng hoá sang Mỹ và trong vài năm qua, con số này đang liên tục tăng trưởng ở mức khoảng 10% mỗi năm. Rượu vang Pháp cũng nằm trong số các sản phẩm bị đánh thuế ở mức cao nhất là 25%.

Mỹ khai hỏa cuộc chiến thương mại với EU

Đợt áp thuế của Mỹ sẽ tác động đến khoảng 970 triệu euro giá trị xuất khẩu của các sản phẩm như dầu ô-liu, hoa quả, thịt lợn của Tây Ban Nha; 460 triệu euro vào rượu whisky của Scotland.  Mức thuế vừa được công tố trong tuần này đối với rượu whisky Scotland và rượu vang có thể sẽ ảnh hưởng đến gần 3,4 tỷ USD trong kim ngạch nhập khẩu, đồng thời có thể sẽ khiến ngành này mất đi 13.000 việc làm.Đức và Italia cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.Uỷ ban châu Âu dự kiến đến đầu năm 2020 khi WTO ra phán quyết tương tự về việc Mỹ trợ giá cho Boeing để có thể ra lệnh áp thuế tương tự đối với hàng hoá Mỹ xuất khẩu sang EU.

Từ tháng 6/2018, khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của châu Âu thì hai bên đã bắt đầu bước vào một giai đoạn căng thẳng thương mại. Khi đó EU đã trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế đánh vào xe mô-tô Harley Davidson, rượu bourbon và quần bò Mỹ. EU đánh thuế 25% đối với rượu whisky của Mỹ nhằm đáp trả thuế nhôm thép của Washington. EU hiện đang xem xét nhiều mức thuế hơn nữa đối với rượu mạnh và rượu vang của Mỹ trong một cuộc điều tra khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ). Kể từ sau khi có thông tin về các mức thuế mới của Mỹ, lượng rượu whisky xuất khẩu đã giảm 21%.

Việc Mỹ quyết định “khai hỏa” cuộc chiến thuế quan với các đồng minh và đối tác châu Âu xuất phát từ một số lý do sau: Thứ nhất, ngay từ khi lên cầm quyền, với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump đã khơi chiến thương mại với cả những đồng minh và đối tác thân cận của Washington, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Ấn Độ,... và dĩ nhiên không loại trừ EU. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng tuyên bố là Mỹ đã mất kiên nhẫn với một trong những vụ kiện dài nhất (kéo dài gần 15 năm qua) của WTO và giờ là thời điểm Washington hành động.

Thứ hai, ông Donald Trump đang bước vào chiến dịch vận động tái tranh cử được dự đoán gặp nhiều khó khăn và để lấy lòng những cử tri Mỹ từng ủng hộ mình trong cuộc bầu cử năm 2016 thì ông chủ Nhà Trắng tiếp tục lập luận, rằng việc đánh thuế vào hàng nhập khẩu của nước ngoài cho phép nước Mỹ thu về hàng tỷusd, đồng thời bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ. Một điểm nữa, cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài gần 2 năm qua và đã trải qua 12 vòng đàm phán mà chưa mang lại kết quả như Chính quyền Tổng thống Donald Trump mong đợi. Do vậy, phán quyết của WTO có lợi cho Washington trong vụ kiện Boeing-Airbus là cơ hội để ông Donald Trump khoe thành tích với công chúng Mỹ. Và cuối cùng, đây còn là cách để Mỹ gây sức ép với EU trong việc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đang bị đình trệ do một số thành viên EU, dẫn đầu là Pháp, đã bày tỏ hoài nghi về giá trị các cuộc đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách áp thuế đối với đồng minh EU cũng khiến Mỹ thiệt hại không kém. Hiệp hội thực phẩm đặc sản Mỹ (SFA) cho rằng mức thuế trên sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, làm giảm doanh thu và tác động tiêu cực đến việc làm ở 14.000 nhà bán lẻ thực phẩm đặc sản và 20.000 nhà bán lẻ thực phẩm khác trên khắp nước Mỹ. Theo SFA, sau khi mức thuế trên có hiệu lực, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả 60 USD cho một miếng thịt lợn ướp lạnh hay phomát hiện có giá 45 USD, và thậm chí không đủ tiền để làm những món ăn kỷ niệm ngày Lễ Tạ ơn cho gia đình của mình.

Do đó, việc Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại nhằm vào EU được cho là “lợi bất cập hại” đối với chính nước Mỹ trong thời điểm hiện nay. Dư luận đang chờ xem các diễn biến mới của cuộc chiến này và chính sách mà cả hai bên chuẩn bị đang áp dụng./.


N.Quang
Ý kiến của bạn