Mỹ yêu cầu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh những đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển Đông, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng ở châu Á.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel đã tuyên bố với Tiểu ban châu Á của Quốc hội Mỹ là những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải chiếu theo công pháp quốc tế phải dựa trên những đặc trưng của đất liền. Tất cả những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên những đặc trưng của đất liền đều bị xem là trái với luật pháp quốc tế. Vì thế, ông Russel đề nghị Bắc Kinh phải chứng tỏ họ tôn trọng công pháp quốc tế bằng cách làm rõ và điều chỉnh những đòi hỏi chủ quyền cho đúng với luật quốc tế về luật biển. Nói cách khác, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thách Trung Quốc đưa ra những luận cứ vững chắc để biện minh cho bản đồ “hình lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra, bao phủ gần như toàn bộ vùng biển Đông.

Mỹ phản đối vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc vi phạm pháp luật Quốc tế.
Ông Russel tuyên bố ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra trước một tòa án Liên hợp quốc vào năm 2013. Theo Trợ lý Ngoại trưởng, đây là một trong những nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp “hòa bình, không mang tính cưỡng ép” cho vấn đề biển Đông. Đối với ông Danny Russel, việc Bắc Kinh không làm rõ những đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông đã gây nên tình trạng bất ổn định trong khu vực và giới hạn khả năng đạt đến một giải pháp được tất cả các bên chấp nhận hoặc đạt đến những thỏa thuận cùng phát triển công bằng. Thế nhưng cho tới nay, tuy tăng cường hợp tác quân sự với hai đồng minh Nhật Bản và Philippines nhưng Washington vẫn nói là họ không đứng về phe nào trong những tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở châu Á.
Hồ sơ này càng nóng thêm sau khi tờ nhật báo Asahi của Nhật Bản gần đây loan tin là Bắc Kinh dự trù thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, tương tự như vùng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc thành lập tháng 11/2013.
Trong một cuộc họp báo đầu tháng 2 tại Washington, cũng chính Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel đã nhắc lại cảnh cáo của Washington là Trung Quốc không nên áp đặt vùng phòng không trên biển Đông, mà dẫu sao thì Mỹ không thừa nhận mà cũng không chấp nhận một vùng như vậy.
Nhân cuộc tiếp xúc tại Washington, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và đồng nhiệm Mỹ John Kerry đã chia sẻ quan điểm theo đó Nhật Bản và Mỹ đều không chấp nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku đang do Nhật Bản quản lý. Bên cạnh đó, hai Ngoại trưởng đã khẳng định rằng, Washington và Tokyo sẽ phối hợp với các quốc gia khác hiện đang quan ngại trước hành động của Bắc Kinh để đối phó với khả năng Trung Quốc mở rộng vùng phòng không của họ để bao trùm lên những khu vực tại biển Đông. Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh rằng, mặc dù nước ông không hề thay đổi lập trường xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc theo hướng hai bên cùng có lợi, thế nhưng Nhật Bản không thể chấp nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng xác nhận rằng, Hoa Kỳ phản đối vùng phòng không đó của Trung Quốc và nhắc lại rằng lập trường của Mỹ vẫn là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản, trong đó có quy định nghĩa vụ của Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản.
(Theo AFP, Kyodonews)