Mỹ “châm ngòi” thùng thuốc súng ở Trung Đông?

21-11-2019 14:00 | Quốc tế

SKĐS - Quyết định mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho rằng Mỹ không còn coi các khu định cư của người Israel tại Bờ Tây là “không phù hợp” với luật pháp quốc tế, đã gây rung chuyển khu vực Trung Đông, thậm chí có khả năng “châm ngòi” thùng thuốc súng ở khu vực. Đây còn là một “cú rẽ” trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua.

Quyết định khiến cả nước Mỹ và cộng đồng quốc tế lo ngại

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mặc dù  đứng sau hỗ trợ Israel,  nhưng chưa bao giờ ở các đời Tổng thống Mỹ  gần đây  tuyên bố  ủng hộ Israel xây dựng các khu định cư dành cho người Do Thái trên khu vực lãnh thổ không thuộc chủ quyền của Israel.  Chính vì thế , tuyên bố của Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ  rằng “sẽ không coi các khu định cư dân sự của Israel là không phù hợp với luật pháp quốc tế “  được xem là bước ngoặt trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Đây không phải là quyết định quá sốc đối với khu vực bởi từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm chính quyền,  Mỹ đã ra một loạt các  quyết định gây tranh cãi như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017, đồng thời  chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem vào năm 2018; đến tháng 3-2019, Mỹ tiếp tục công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan – những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trái phép bằng chiến tranh.

Quyết định đảo ngược chính sách kéo dài suốt 40 năm qua ở Mỹ với các khu định cư của Israel ở Bờ Tây đã gây ra một làn sóng phản đối ở Mỹ, đặc biệt từ phe Dân chủ.  Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án hành động trên của Mỹ  vì cho rằng hành động này sẽ “dập tắt” hy vọng về một giải pháp "hai nhà nước" , đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó ứng viên đang chạy đua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ- Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho hay, việc Israel xây dựng các khu định cư của người Do thái ở vùng lãnh thổ chiếm đóng là bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế cũng như nhiều nghị quyết của LHQ. Tổng thống Trump đang khiến Mỹ bị cô lập và làm suy yếu chính sách ngoại giao của nước này.

Các khu định cư Do Thái liên tiếp "mọc" lên ở Bờ Tây

Khu định cư của Israel luôn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Israel và Palestine. Người Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và dải Gaza bị chiếm đóng. Tuy nhiên, phía Israel liên tục cho xây các khu định cư tại Bờ Tây và sắp xếp cho hàng trăm nghìn người Do Thái ở đây.

Các nhà lãnh đạo Israel đã hoan nghênh quyết định của Mỹ, trong khi Palestine và các quốc gia khác cảnh báo quyết định này sẽ hủy hoại cơ hội của một thỏa thuận hòa bình. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định các hoạt động định cư tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đều không hợp pháp, thậm chí lãnh đạo Liên đoàn Arab (AL) cho rằng động thái này của Mỹ  thúc đẩy những người định cư Do Thái có các hành động bạo lực hơn chống lại người Palestine.  Tổng thống Palestine đã kêu gọi thế giới bác bỏ quyết định này vì nó  bất hợp pháp và đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng chính quyền Mỹ đã mất hoàn toàn uy tín trong tiến trình hòa bình.

Vòng đàm phán hòa bình  gần đây nhất giữa Israel và Palestine đổ vỡ hồi vào  năm 2014 chủ yếu do Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây. Quyết định này như một cú hạ “knock-out” có thể khiến các  vòng đàm phán hòa bình giữa hai bên không bao giờ xuất hiện.

Đằng sau quyết định gây sốc của Mỹ….

Tại sao Mỹ lại công bố quyết định gây tranh cãi  vào thời điểm này? Theo các nhà phân tích chính trị, dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn hướng dư luận vào một vấn đề khác ngoài việc luận tội ông.  Bên cạnh đó, với quyết định này, ông còn  thu hút thêm sự ủng hộ của những cử tri gốc Do Thái trước thềm cuộc vận động tranh cử Tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. Chính vì lẽ đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn thẳng thừng cho rằng:  “hành động này của chính quyền Mỹ không phải vì hòa bình, an ninh và cũng chẳng phải là để ủng hộ Israel. Nó phục vụ mục đích chính trị cá nhân của Tổng thống Trump”.

Với quyết định này  còn cho thấy chiến lược “một mũi tên trúng nhiều đích” của Mỹ.  Tổng thống Mỹ Trump vừa giải quyết vấn đề nội bộ trong nước và chứng  tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông này đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chính trị ở Israel, qua nhiều lần bầu cử vẫn chưa thể thành lập Chính phủ mới, thậm chí có nguy cơ phải bầu cử lần thứ 3.

Đây còn là bước đi trì hoãn của Mỹ trước  dư luận. Bởi hồi giữa năm 2019, Mỹ từng tuyên bố sẽ có một bản kế hoạch để giải quyết cuộc xung đột bấy lâu giữa Israel và Palestine, nó được mô tả là một “thỏa thuận thế kỷ”.  Dư luận quốc tế rất hoài nghi về bản kế hoạch này, Mỹ cho biết chỉ khi chính phủ Israel được thành lập họ mới công bố bản kế hoạch.  Giờ đây, Chính phủ mới của Israel chưa được thành lập,  tình hình mới ở khu vực được dự báo ngày càng phức tạp…. bản kế hoạch “thế kỷ” này sẽ còn rất lâu nữa mới được ra mắt.


Hải Yến
Ý kiến của bạn