Mỹ cấm TikTok: Chiến thuật đàm phán hay điểm nóng mới trong xung đột Mỹ - Trung?

04-08-2020 06:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Số phận TikTok tại thị trường Mỹ đang trở nên chông chênh hơn bao giờ hết, khi cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm cửa ứng dụng Trung Quốc đang có hơn 80 triệu khách hàng tại Mỹ sử dụng.

Lệnh cấm đột ngột nhưng không bất ngờ

Ngày 1/8, khi đang nói chuyện với phóng viên đi cùng trên chiếc máy bay Không lực I, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội TikTok (của Trung Quốc) ở Mỹ ngay lập tức. Ông Trump còn nói thêm rằng không ủng hộ việc công ty Mỹ mua lại TikTok. Phát ngôn của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn Microsoft đang trong quá trình đàm phán để mua lại TikTok từ chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance.

Sau đó 1 ngày, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho rằng, ứng dụng TikTok sẽ bị cấm hoạt động ở Mỹ bởi ứng dụng này gây ra những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Bộ trưởng Mnuchin nói rõ rằng toàn bộ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ đều nhất trí TikTok không thể tồn tại theo định dạng hiện nay, bởi nó gây ra nguy cơ đối với thông tin của 100 triệu người Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mnuchin cho hay, đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, về những việc cần phải làm đối với các hoạt động của TikTok ở Mỹ và tất cả đều thống nhất phải có một sự thay đổi, buộc TikTok phải được bán lại hoặc ngăn chặn ứng dụng này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, không chỉ riêng TikTok, Tổng thống Donald Trump sẽ sớm triển khai hành động đối với các công ty phần mềm Trung Quốc cung cấp dữ liệu trực tiếp cho Bắc Kinh, từ đó gây rủi ro đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Số phận TikTok tại thị trường Mỹ đang trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.

Số phận TikTok tại thị trường Mỹ đang trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.

TikTok không muốn rời đi

Ngay sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên, Công ty ByteDance của Trung Quốc đã đồng ý thoái vốn hoàn toàn các hoạt động của TikTok tại Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận với Nhà Trắng - báo South China Morning Post (Trung Quốc) cho hay. Sự nhượng bộ của ByteDance được coi là phép thử để xem việc Tổng thống Trump dọa cấm cửa TikTok là một chiến thuật đàm phán hay thực sự ông muốn trấn áp một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc đang có khoảng 80 triệu người dùng tại Mỹ. Vốn dĩ, ByteDance mong muốn được duy trì cổ phần nhỏ trong TikTok nhưng Nhà Trắng từ chối. Theo thỏa thuận mới được đề xuất, ByteDance sẽ thoái vốn hoàn toàn và Microsoft tiếp quản TikTok tại Mỹ. Microsoft sau đó sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng TikTok Mỹ.

Trước khi tuyên bố cấm trên được ban ra, các quan chức Mỹ từng nhiều lần bày tỏ rằng TikTok có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ và thông qua ứng dụng này, Trung Quốc có thể sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ trong tháng 11 tới. Khi nhận cáo buộc từ Chính phủ Mỹ, TikTok đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt sự thay đổi nhằm thuyết phục chính quyền của ông Trump rằng công ty không bị điều khiển hoặc có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, cũng như cam kết về tính bảo mật cho người dùng.

Ngày 3/8, ông lớn phần mềm Mỹ cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Mỹ liên quan đến thương vụ mua lại TikTok và kỳ vọng có thể đưa ra kết luận vào ngày 15/9 tới. Hiện TikTok tự định giá ở mức 50 tỷ USD. Microsoft khẳng định nếu thương vụ mua lại thành công, hãng đảm bảo sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Mỹ trên TikTok về hệ thống máy chủ tại Mỹ.

Nhà phân tích kinh tế Alex Stamos của Stanford Internet Observatory nhận định bán TikTok cho Microsoft là lựa chọn tốt nhất của ByteDance. Bởi nếu quyết giữ TikTok, công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số rào cản do chính quyền Tổng thống Trump lập ra.


Hà Anh
Ý kiến của bạn