Hà Nội

Mỹ 'bật đèn xanh' cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sâu vào Nga

18-11-2024 06:44 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Theo các nguồn tin, Ukraine dự kiến triển khai những cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong vài ngày tới, dù chi tiết cụ thể của chiến dịch vẫn được giữ kín vì lý do an ninh.

Mỹ 'bật đèn xanh' cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sâu vào Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, tại Fasano, Italia, ngày 13/6. (Nguồn: Reuters)

Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng Ukraine kiên trì thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí phương Tây, nhằm tấn công vào các mục tiêu quân sự của Nga.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi là việc Mỹ và Ukraine cho rằng Nga sử dụng binh lính từ Triều Tiên để hỗ trợ chiến dịch quân sự. Điều này làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc từ cả Washington và Kiev.

Trong khi đó, cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin này. Phía Ukraine, bao gồm Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống, cũng chưa có phản hồi chính thức.

Nga đã nhanh chóng lên tiếng, cảnh báo rằng việc Mỹ cho phép Ukraine mở rộng phạm vi tấn công là hành động "leo thang nghiêm trọng". Dự kiến, các lực lượng Ukraine sẽ sử dụng tên lửa ATACMS - loại vũ khí có tầm bắn lên tới 306 km - trong các chiến dịch sắp tới.

Một số quan chức Mỹ nhận định, động thái này dù có ý nghĩa lớn về mặt chiến thuật, vẫn khó có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện xung đột. Thay vào đó, nó có thể giúp Ukraine cải thiện vị thế trong trường hợp các cuộc đàm phán ngừng bắn được khởi động.

Với việc ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1/2025, tương lai của chính sách này đang bị đặt dấu hỏi lớn. Ông Trump từng chỉ trích mạnh mẽ quy mô viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột, dù chưa đưa ra kế hoạch cụ thể.

Richard Grenell, một trong những cố vấn thân cận của ông Trump, chỉ trích quyết định của ông Biden, gọi đây là nỗ lực "tăng cường chiến dịch trước khi rời nhiệm sở".

Quyết định của Mỹ được cho là một bước ngoặt, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nó đến "quá muộn". Alex Plitsas, thành viên Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, Ukraine đáng lẽ nên được cung cấp sớm hơn các loại vũ khí như ATACMS, xe tăng Abrams và tiêm kích F-16.

Ngoài ra, các đồng minh khác của Ukraine vẫn giữ lập trường thận trọng, duy trì hạn chế về cách thức sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga. Họ lo ngại nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân hoặc kéo NATO trực tiếp tham gia chiến sự.

Anh cấm Ukraine dùng Storm Shadow tấn công KurskAnh cấm Ukraine dùng Storm Shadow tấn công Kursk

SKĐS - Ngày 13/8, theo tờ The Telegraph, chính phủ Anh đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow để hỗ trợ cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga.


Xuân Minh
(Theo Reuters, CNN, Fox News)
Ý kiến của bạn