Hà Nội

Mỹ, Anh bị tố kích động Hồng Kông

02-10-2014 06:39 | Quốc tế
google news

Truyền thông Nga bắt đầu đưa tin cho rằng những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông là âm mưu do Anh, Mỹ đứng sau

Truyền thông Nga bắt đầu đưa tin cho rằng những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông là âm mưu do Anh, Mỹ đứng sau

Cáo buộc nêu trên phản ánh phần nào mối quan hệ đang tăng cường giữa Nga với Trung Quốc kể từ khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì cuộc khủng hoảng Ukraine, theo báo Anh Telegraph.

Tình báo Mỹ nhúng tay?

Vào ngày 29-9, khi biểu tình ở Hồng Kông trở nên nóng bỏng, First Channel (Kênh 1) của nhà nước Nga không đưa tin, kênh NTV chỉ đưa tin ngắn. Thế nhưng, đến ngày 30-9, truyền thông nhà nước Nga nhận định người biểu tình ở Hồng Kông bị Mỹ kích động, tương tự những gì xảy ra ở Ukraine.

Phát thanh viên của kênh Rossiya 24 nói: “Theo báo chí Trung Quốc, lãnh đạo phong trào được tình báo Mỹ huấn luyện đặc biệt”. Cuối ngày 30-9, trong một phóng sự từ thực địa, phát thanh viên First Channel đưa tin: “Bắc Kinh nói người tổ chức biểu tình có liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ”.

Cả hai kênh Rossiya 24 và First Channel đều phát đoạn ghi hình cho thấy một nữ sinh biểu tình ở Hồng Kông, sau đó so sánh với một clip tương tự do một cô gái tham gia biểu tình ở Kiev thực hiện. Hai kênh truyền hình bình luận 2 đoạn clip này giống nhau, bóng gió rằng đó là “tác phẩm của Mỹ”. Rossiya 24 còn nghi ngờ quy mô cuộc biểu tình hiện nay quá lớn so với khả năng của sinh viên Hồng Kông.

Sinh viên biểu tình Hồng Kông tại lễ thượng cờ ngày 1-10

“Những người biểu tình thuộc thế hệ xài điện thoại thông minh. Thế nhưng, không thể có chuyện từ bàn học, họ học cách bật sáng màn hình điện thoại di động để tạo ra hình ảnh ấn tượng như trong đêm 29-9. Không thể có chuyện người còn ở tuổi đi học lại có ý tưởng đem dù ra làm biểu tượng, một lần nữa tạo nên một bức tranh lắm sắc màu” - báo The Wall Street Journal dẫn lại kênh Rossiya 24.

Kênh này cũng úp mở rằng Mỹ đã dạy học sinh, sinh viên Hồng Kông các kỹ năng nêu trên. Theo First Channel, nhiều khả năng “Washington muốn gây bất ổn ở Hồng Kông do Moscow đang hướng Đông để tìm một trung tâm tài chính thay thế”. Ngoài ra, đây còn có thể là động thái nhằm trừng phạt Trung Quốc do thái độ của nước này đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, Rossiya 24 dẫn lời chuyên gia cho rằng “Anh đứng sau các cuộc biểu tình” vì nước này đang mất dần lợi ích kinh tế sau khi bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc.

Trung - Mỹ gặp mặt

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm 1-10 lại thúc giục người dân ủng hộ phương án bầu cử mà Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh các cuộc tuần hành khổng lồ đòi dân chủ tiếp diễn trong ngày quốc khánh Trung Quốc.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận về tình hình biểu tình ở Hồng Kông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Hồng Kông “chắc chắn sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự Mỹ - Trung”.

Trả lời bản kiến ​​nghị kêu gọi Washington gây sức ép buộc Bắc Kinh “tôn trọng lời hứa về bầu cử dân chủ với công dân Hồng Kông”, Nhà Trắng nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho phổ thông đầu phiếu. Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 1-10 tuyên bố: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình Hồng Kông. Trên khắp thế giới, Mỹ ủng hộ quyền tự do cơ bản được quốc tế công nhận, chẳng hạn quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận. Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Hồng Kông kiềm chế và để người biểu tình bày tỏ quan điểm một cách hòa bình”.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, bản kiến nghị “Ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông và ngăn ngừa vụ thảm sát Thiên An Môn thứ hai tại Hồng Kông” nêu trên đã thu hút ít nhất 200.000 chữ ký. Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Agnes Chow cam đoan sẽ tăng cường cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, trong đó có khả năng chiếm các văn phòng chính quyền đặc khu, trừ phi ông Lương Chấn Anh từ chức.

Dân đại lục khó nghĩ

Những người dân đại lục đang sinh sống hay du lịch ở Hồng Kông rơi vào tình cảnh “cảm xúc lẫn lộn” khi chứng kiến làn sóng biểu tình. “Tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị vì họ có khả năng bày tỏ quan điểm. Mặt khác, tôi thấy bi quan về kết quả của cuộc biểu tình” - một sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Trường ĐH Baptist nói.

Trong khi đó, một số người đại lục tỏ ra thất vọng vì người Hồng Kông “vô ơn” trước những quyền lợi được hưởng dưới sự điều hành của chính quyền trung ương. Theo Reuters, một phụ nữ từ TP Thâm Quyến, Trung Quốc đến Hồng Kông mua sắm vào ngày 1-10 đã chỉ trích yêu cầu đòi dân chủ của người biểu tình là “vô lễ với đại lục”.

 


Ý kiến của bạn