Mỹ âm thầm thừa nhận thất bại tại chiến trường Syria?

20-12-2018 10:24 | Quốc tế

SKĐS - Cuộc chiến cách đây 7 năm Mỹ và các đồng minh phương Tây phát động tại Syria đang đi tới giai đoạn cuối. Mặc dù đến sau, nhưng nước Nga đã xoay chuyển hoàn toàn cục diện, đưa Syria sang một trang mới trong lịch sử. Mỹ và các đồng minh phương Tây không thể đạt mục tiêu ban đầu của mình là lật đổ ông Assad, và “nếm” mùi thất bại trong cuộc chiến ở Syria.

Mỹ đã thất bại thế nào ở Syria?

Năm 2011, cuộc nội chiến ở Syria nổ ra bắt nguồn từ những xung đột lợi ích giữa các phe phái ở quốc gia Trung Đông này. Vấn đề trở nên căng thẳng tột độ khi quốc gia này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến. Tuy nhiên phải đến khi  Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)  xuất hiện, gây ra những tội ác khủng khiếp ở khu vực, Mỹ và các đồng minh phương Tây  chính thức thành lập liên minh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Syria và Iraq khi đó với danh nghĩa chống khủng bố. Người dân Syria đã mắc kẹt giữa cuộc chiến tàn khốc đó, cướp đi sinh mạng của 360.000 người , khiến phần lớn đất nước Syria bị phá hủy.  Đến năm 2015, Nga chính thức tham gia ủng hộ Chính quyền Syria, phát động cuộc không kích ở quốc gia đồng minh thân cận của Nga.

Mỹ âm thầm thừa nhận thất bại tại chiến trường Syria?Quân đội Nga hỗ trợ Syria giành lại nhiều khu vực bị phiến quân chiếm đóng.

Sở dĩ cuộc nội chiến ở Syria kéo dài  và không lối thoát suốt 7 năm qua là do cuộc chiến Syria vô cùng phức tạp, nó không chỉ là cuộc đối đầu giữa quân đội của Tổng thống Assad và phe nổi dậy mà còn là cuộc chiến của Nga với Mỹ và các nước phương Tây. Bởi lý do  hai cường quốc hàng đầu thế giới ủng hộ cho hai phe đối địch nhau trong cuộc chiến tranh, Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad – đồng minh thân cận của Nga ở khu vực, trong khi đó Mỹ ủng hộ lực lượng nổi dậy.

Cùng là mục tiêu chống khủng bố nhưng đích nhắm của Nga và Mỹ lại khác nhau.  Sự can thiệp của Mỹ và liên quân ở Syria không có được kết quả như mong đợi, dù hạ được  nhiều mục tiêu khủng bố nhưng lực lượng đối lập ở Syria ngày càng bị thui chột và tan rã.  Trong khi đó, Nga không chỉ đánh  tan lực lượng khủng bố mà còn giúp Chính quyền Syria giành lại đất từ phe nổi dậy. Trên chiến trường, Nga và quân đội trung thành với ông Assad liên tiếp có những chiến thắng vang dội, củng cố vị thế của mình ở Syria.

Mới đây, Chính quyền Mỹ tuyên bố, họ  không còn tìm cách lật đổ Tổng thống Syria mà thay vào đó theo đuổi mục tiêu chống khủng bố. Đây được coi là một “bước lùi” của Mỹ ở Syria, một sự thừa nhận thất bại của Mỹ và đồng minh. Hãng thông tấn AFP đưa tin, Mỹ đang có ý định rút toàn bộ quân khỏi Syria, hiện Mỹ có khoảng 2000 binh sĩ đóng quân tại Syria.

Mỹ âm thầm thừa nhận thất bại tại chiến trường Syria?Syria cần sự ủng hộ quốc tế tái thiết sau chiến tranh.

Hy vọng hòa bình ở Syria

Chiến thắng trên chiến trường, Chính quyền Syria liên tiếp củng cố địa vị, liên tiếp các chuyến thăm của các quan chức hàng đầu các nước trong khu vực cho thấy “gió thực sự đã đổi chiều”. Từ vị thế suýt bị Mỹ lật đổ, giờ đây Tổng thống B.Assad đã đón các quan chức cấp cao Iran, hay Tổng thống Sudan. Điều này cho thấy trên bàn cờ chính trị Tổng thống Assad đang chiếm ưu thế.

Tuy nhiên để có được hòa bình thực sự sẽ là một con đường không dễ dàng. LHQ yêu cầu việc thành lập ủy ban hiến pháp. Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan De Mistura  cho biết, việc thành lập ủy ban hiến pháp có thể mở đường cho một tiến trình chính trị tại Syria. Sự ra đời của Ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do LHQ bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.  Trước đó, này 18/12, các Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết,  một Ủy ban Hiến pháp mới của Syria sẽ được triệu tập đầu năm 2019.

Mỹ âm thầm thừa nhận thất bại tại chiến trường Syria?Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria khiến cơ sở hạ tầng ở đây bị phá hủy rất nhiều.

Như vậy, để tái thiết đất nước Syria đã bị tổn thương nặng nề bởi đạn pháo và chiến tranh, không có cách nào khác, phải xây dựng từ bộ máy chính trị. Đúng như Ngoại trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ  có thể sẽ hợp tác với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nếu ông Assad giành được chiến thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ “đáng tin cậy”. Ngay Đặc phái viên Mỹ về Syria, ông James Jeffrey  cũng ngỏ ý cho biết, Mỹ  không tìm cách loại bỏ ông Assad, nhưng muốn nhìn thấy một “chính quyền khác hoàn toàn”. Có thể nói, những cơn gió mát lành của hòa bình và cơ hội đang chờ đón Syria ở phía trước.


Hải Yến
Ý kiến của bạn