‘Chim quý trong lồng’ coi trọng giá trị nghệ thuật hơn thị hiếu
Chim quý trong lồng là một trong những sản phẩm ấn tượng nhất của nhà sản xuất âm nhạc K-ICM trong năm 2021, được phát hành vào ngày 12/7. Thời điểm đó, Chim quý trong lồng thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn công chúng bởi đây là lần đầu tiên K-ICM mời Văn Mai Hương góp giọng trong sản phẩm của mình.
Sự kết hợp này tạo nên hiệu ứng lạ. Trong khi thế mạnh của K-ICM là nhạc cụ dân tộc, màu sắc chủ đạo trong các sản phẩm của anh là Ngũ cung, thì Văn Mai Hương lâu nay được biết đến là một giọng ca chuyên thể hiện những ca khúc hợp thị hiếu. Tuy nhiên, khi bắt tay K-ICM, giọng ca của Văn Mai Hương bỗng trở nên ngọt và nhuyễn lạ lùng trên một bản Ballad pha trộn dân gian đương đại sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống.
Âm nhạc của K-ICM đậm chất thiền.
Chim quý trong lồng được K-ICM chấp bút trong khoảng thời gian anh phải chịu đựng rất nhiều áp lực vì những biến cố không mong muốn trong nghề. Lyrics buồn nhưng giai điệu tuyệt đẹp của bài hát lại mang đến sự đồng cảm và khát khao muốn được giải thoát nơi người nghe.
Chim quý trong lồng chính là sản phẩm khẳng định phong cách sáng tác đậm chất thiền của K-ICM: đau đớn nhưng không tuyệt vọng. Mỗi câu từ anh sử dụng như muốn nhắn nhủ người nghe, rằng ‘đời như trà, đắng trước ngọt sau’. Và, âm nhạc không có chỗ cho những tiêu cực, những xấu xí, những tham vọng, những đố kị,… Khi âm nhạc vang lên, nỗi đau không còn nữa.
Một điều chắc chắn, sáng tác của K-ICM trở nên hoàn hảo khi được thể hiện bởi giọng ca đầy kinh nghiệm và giàu cảm xúc của Văn Mai Hương. Cách xử lý duyên dáng và thông minh của cô trên bản hòa âm phối khí tuyệt mỹ của K-ICM khiến Chim quý trong lồng như được chắp thêm đôi cánh trong tâm trí của những khán giả yêu mến sản phẩm này. Họ bay vào thế giới tưởng tượng vô tận, cảm nhận sự quyến rũ và tươi vui, những điều luôn hiện hữu trong cuộc sống, ngay cả khi họ đang ở tận cùng nỗi đau.
‘Chim quý trong lồng’ được thể hiện bởi giọng hát xuất sắc của Văn Mai Hương.
Thời điểm Chim quý trong lồng mới ra mắt, K-ICM chia sẻ: ‘Có lẽ nhiều người mang tâm trạng giống như thông điệp của bài hát, cộng với việc giai điệu buồn man mác cũng khiến họ cảm nhận được rõ hơn thông điệp ấy’.
Một điểm cộng ở Chim quý trong lồng chính là cách sản phẩm này lan tỏa đến khán giả quốc tế. Khi thưởng thức MV, họ hoàn toàn bị chinh phục bởi giai điệu, giọng hát, cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt là sự quyến rũ của âm thanh được phát ra từ một số nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, sáo,... MV ra mắt vài ngày, một nhóm khán giả Hàn Quốc, vì yêu mến bài hát đã nỗ lực cover bằng tiếng Việt. Đó là điều khiến cho khán giả Việt cũng phải tự hào về những giá trị văn hóa nước nhà, bao gồm âm nhạc và ngôn ngữ.
TikToker Lê Bống đảm nhiệm vai trò diễn viên múa trong MV.
MV ‘Chim quý trong lồng’ đủ tầm để vươn xa?
Do những hạn chế vì COVID-19, K-ICM và ê-kip chỉ có vài ngày để thực hiện sản phẩm. Đáng nói, MV được ghi hình tại Buôn Ma Thuột với bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, K-ICM và Lê Bống (diễn viên múa trong MV) đã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành vai trò của mình.
Chim quý trong lồng cũng là sản phẩm được K-ICM và ê-kip đầu tư chỉn chu, tỉ mỉ với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia giàu kiến thức chuyên môn: nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm, nghệ sĩ sáo Minh Dương, nghệ sĩ Lương Duy Thắng (cố vấn về nhạc cụ dân tộc), nghệ sĩ trống Trần Hậu, nghệ sĩ múa Lệ Châu. Có thể nói, Chim quý trong lồng chính là màn trình diễn xuất sắc của một tập thể nghệ sĩ tài năng và tâm huyết với nghề.
Tối 11/12, ‘Chim quý trong lồng’ được xướng tên ở hạng mục Best Music Video tại Giải thưởng ATA lần thứ 26.
Mang những yếu tố thuần Việt vào MV chính là thành công của ê-kip thực hiện. Sự đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt của khán giả nước ngoài cho thấy K-ICM đang đi đúng con đường khi luôn trân trọng chất liệu truyền thống, coi đó là vốn quý trong những sản phẩm âm nhạc của mình. Nói cách khác, K-ICM đang góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Việt đến khán giả quốc tế. ATA lần thứ 26 xướng tên Chim quý trong lồng ở hạng mục Best Music Video có lẽ cũng vì lý do này.
Ra mắt vào năm 1996, ATA là giải thưởng thường niên do tạp chí Truyền Hình Châu Á tổ chức nhằm tôn vinh những tác phẩm, chương trình, cá nhân xuất sắc nhất của truyền hình châu Á. Mỗi năm, giải thưởng thu hút hơn 1.200 ứng viên đến từ khoảng 22 quốc gia và sự góp mặt của hơn 50 nhân vật trong hội đồng giám khảo đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á.
Do diễn biến phức tạp của COVID-19, lễ trao giải danh giá này được phát sóng trực tuyến trên các nền tảng truyền thông xã hội.