Chụm củi vào lò hầm than trong hơi cay nồng nặc, chị Mai Thị Thúy Kiều phân bua: “Cực lắm, ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn, nhưng đã trót theo nghề này thì chấp nhận thôi, chớ biết làm nghề gì khác bây giờ…”.
Đó cũng là suy nghĩ chung của trên 50 hộ làm than tại ấp Đông An A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) khi đa phần không có đất sản xuất phải đứng trước cuộc mưu sinh đầy nguy hiểm và vất vả. Hộ làm nghề lâu nhất đã trên 70 năm, hộ mới nhất cũng đã 5 năm.
Một công nhân đang chụm lửa
Chị Kiều kể thêm: gia đình chị có 3 lò than, mỗi lò có thể “hầm” được 55 - 60m3. Gỗ làm than là gỗ đước được thương lái từ Cà Mau chở ghe lên bán với giá xấp xỉ 50.000 đồng/m3. Riêng giá bán các loại gỗ tạp dùng làm củi chụm lò như: gỗ tràm, xoài, bình bát… hiện nay từ 38.000 - 40.000 đồng/m3. Phương thức thanh toán theo kiểu “gỗ trao, tiền nhận” ngay tại lò than. Đây đang là khó khăn cho các cơ sở làm than vì hầu hết họ phải bán thành phẩm cho bạn hàng nhưng phải nhận tiền sau đó khá lâu theo kiểu “gối đầu”. Cạnh đó, các hộ làm than chưa được vay vốn từ ngân hàng để mở rộng sản xuất.
Hiện nay quy trình “hầm than” tại đây vẫn áp dụng phương thức thủ công truyền thống như: cưa củi thành từng đoạn ngắn khoảng 50cm, chất vào lò thành từng dây sao cho hơi nóng lan tỏa đều khắp lò để than chín đồng loạt, bít kín miệng lò, đốt lửa nung lò trong thời gian bình quân từ 20 - 30 ngày tùy thuộc mùa nắng nóng hay mưa dầm. Điều quan trọng nhất là phải đốt lò liên tục ngày đêm không để tắt. Sau thời gian trên, chủ lò sẽ tắt lửa và để nguội trong thời gian từ 15 - 17 ngày rồi sẽ lấy sản phẩm ra khỏi lò để bán cho thương lái. Hiện nay giá xây dựng một lò có khả năng chứa khoảng 60m3 gỗ là 30 - 35 triệu đồng.
Chuẩn bị chất củi vào lò
Ông Chung Văn Mau, ngụ ấp Đông An A, người đã gắn bó với nghề này trên 40 năm, tính toán: “Trừ hết các khoản chi phí đầu tư như: mua củi làm than, củi làm chất đốt, công bốc vác, cưa xẻ, lấy than ra lò… chủ lò sẽ còn lãi khoảng 7 - 10 triệu đồng/ mỗi lò tùy theo quy mô lò lớn nhỏ, giá mua bán trên thương trường”.
Ông Mau còn nói thêm “Bình quân mỗi lò sẽ quay vòng và “hầm” được 6 lượt trong năm, chủ lò sẽ lãi từ 40 - 60 triệu đồng, tuy cực nhưng nguồn thu nhập khá cao và không “dội chợ”, không cần diện tích làm lò nhiều.
Hiện nay, nguồn than này được tiêu thụ rất mạnh tại TP.HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang tận thị trường Campuchia với giá bán hiện nay dao động từ 9.000 - 10.500 đồng/ ký.
Tuy nhiên, khó khăn đang đặt ra chung cho hàng trăm lao động đang làm nghề than tại đây là hầu hết họ không có những thiết bị bảo hộ sức khỏe khi ngày đêm phải đối mặt với chất khí thải độc hại từ củi thải ra trong quá trình “hầm” than. Chuyện nhiễm độc, ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp là điều tất yếu.
Thiết bị khử độc tại hộ ông Chung Văn Mau
Năm 2013, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hậu Giang phối hợp với một số cơ quan chức năng đã đến làng nghề này khảo sát mức độ ô nhiễm không khí và đã lắp đặt 1 bộ thiết bị thí điểm tại hộ ông Chung Văn Mau với mục đích xử lý tốt các loại bụi bẩn, khí độc phát sinh. Hiện nay, thiết bị này đang cho những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, hàng chục hộ làm than tại đây lo lắng vì với giá bán thiết bị “khử độc” trên khoảng 100 triệu đồng/ máy thì các hộ khó có khả năng trang bị nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Gần 2 năm qua, cả ấp này chỉ có mỗi hộ ông Mau được lắp đặt hệ thống khử độc. Số hộ còn lại vẫn chưa trang bị được.
Cần lắm một sự hỗ trợ từ nhiều phía để “xóm than” Đông An A còn tồn tại, không ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp lao động lẫn cư dân xung quanh, giải quyết được việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nông thôn đã gắn bó với nghề này hàng chục năm qua.