Mưu sinh trên những... ngọn thông già

13-01-2018 3:29 PM | Xã hội

SKĐS - Giống như nhân dân ở những vùng miền khác, ở Lâm Đồng cũng có những mùa người dân rủ nhau đi hái “lộc trời” để kiếm thêm thu nhập.

Song, cái cách hái “lộc rừng” của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) thì quả thật rất đặc biệt - hái quả thông xanh...

Thành quả thu hoạch sau mỗi ngày lao động vất vả.

Thành quả thu hoạch sau mỗi ngày lao động vất vả.

Những chàng “Tarzan” thời hiện đại

Trước nay, những người thích sưu tầm và chơi các loại vật trang trí được làm từ nguyên liệu gỗ thông, nhất là quả thông khô chắc chỉ nghe loáng thoáng quả thông được người ta nhặt trong rừng và mang về chế tác? Không, có hẳn một lực lượng chuyên sống bằng nghề hái trái thông khi nó còn xanh trên những tầng cao chót vót. Muốn “trụ” được với cái nghề đầy rủi ro, nguy hiểm này, người hái trái thông phải có sức khỏe tốt, cơ thể thật dẻo dai và giỏi leo trèo... Thành thử, không phải vào tận những vùng đất xa xôi của châu Phi, hay xem trên phim ảnh, mà hãy về Đơn Dương mục thị những chàng “Tarzan” tháng ngày đánh du trên những ngọn thông già kiếm sống!

Về xã Đạ Ròn, xã người DTTS của huyện Đơn Dương, bạn sẽ dễ dàng tiếp xúc với các gia đình có hơn chục năm làm nghề leo trèo này. Đó là những gia đình người DTTS Kơ Ho gốc bản địa. Từ bao đời nay, người DTTS sống gần gũi với rừng (trên địa bàn huyện Đơn Dương có rất nhiều rừng thông hàng trăm năm tuổi), ngành kiểm lâm địa phương trước nay chỉ cấm, ngăn chặn nạn khai thác, phá rừng (trong đó có rừng thông) chứ chưa cấm việc hái quả thông; do đó người dân địa phương muốn kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư vốn như trồng các loại cây nông sản khác. Bởi cái nghề quá nguy hiểm, “chiến lợi phẩm” kiếm được bán cũng chẳng được bao nhiêu nên không mấy người theo đuổi, chỉ những người DTTS vốn có sức khỏe tốt, dẻo dai, không sợ độ cao và nhàn rỗi mới “dấn thân” kiếm sống bằng cái nghề hái “lộc rừng” này.

Ông Ka Să Ha Dương (55 tuổi, xã Đạ Ròn), sáng nay như mọi ngày, sau khi ăn sáng xong đã cùng với 2 người con trai mang theo các vật dụng: móc câu, bao tải, dao, hộp cơm, nước uống... lên hai chiếc xe máy chạy thẳng lên những quả đồi thông xanh bạt ngàn, bắt đầu một ngày mưu sinh trên những cây thông già lộng gió.

Còn chàng trai Kon Sa Ha Rim, dù năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có “thâm niên” gần 10 năm làm nghề này, anh tâm sự: Những người trực tiếp trèo hái trái thông hầu hết đều là đàn ông có sức vóc và thường phối hợp với nhau thành từng nhóm từ 3-5 người để hỗ trợ nhau. Kỹ năng cần thiết nhất là phải biết leo trèo và không sợ độ cao bởi những cây thông có trái thường có độ cao từ 10 - 30m, thân thẳng, vỏ cây xù xì và có nhiều nhánh nên khó bám, trơn trượt. Đi hái quả thông phải chọn những này nắng, ít gió (những ngày mưa thân cây rất trơn, dễ té ngã...). Muốn hái được nhiều quả thông, suốt ngày các chàng “Tarzan” phải bỏ khá nhiều công sức leo trèo qua hàng chục cây thông đủ loại...

Đánh đu với số phận

Cổ nhân đã dạy, “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”! Dù biết vậy, nhưng bởi “lộc trời” cho, không tốn công đầu tư, tiền của, chỉ đổi lấy sức khỏe và ngày công kiếm tiền nên nhiều người vẫn cứ duy trì riết thành cái nghề “cha truyền con nối”. Ngay như ông Ha Dương, dù đã lớn tuổi, “nhưng thi thoảng vẫn muốn vào rừng leo trèo vì nhớ nghề”!

Những chàng trai đu mình mưu sinh trên những cây thông cao vút.

Những chàng trai đu mình mưu sinh trên những cây thông cao vút.

Dù chưa xảy ra tai nạn chết người; song, trong quá trình “mưu sinh” trên những ngọn thông già cao vài chục mét, cũng đã có vài người, đã có vài lần xảy ra trượt chân, té ngã, đổ máu, xây xước tay chân, cơ thể... Cái giá của nghề này cũng khá đắt và tai họa, hiểm nguy luôn rình rập.

Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc bao năm làm nghề này, tại các rừng thông ở Lâm Đồng thì từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa của loại thông 3 lá. Vào mùa này hái trái thông rừng khá dễ, chỉ cần trèo lên cây ôm thân cây rung, lắc mạnh, trái thông sẽ rụng, hoặc dùng móc câu giật thì sẽ thu được sản phẩm. Còn từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau là mùa thông 2 lá. Thông hai lá trái thường có cuốn rất dai nên việc hái gặp khó khăn hơn, phải trèo lên tận ngọn, dùng móc sắt giật khá vất vả, lại kiếm được ít hơn.

Theo đó, giá mua của thương lái cũng theo mùa, giá quả thông 3 lá thường rẻ hơn (chừng 3.000-4.000 đồng/ký) còn giá thông 2 lá dao động từ 4.000-5.000 đồng/ký. Lão nông Ka Să Ha Dương trầm tư cho biết: “Không phải ai cũng làm được cái nghề này, nếu không có sức khỏe, thật dẻo dai và quen leo trèo sẽ không bám nổi đâu. Những người dân ở đây xem nghề hái trái thông cũng giống như vào mùa đi hái bông đót bán cho người ta làm chổi; tới mùa trái thông, thương lái vào làng tìm mua là mình ngứa ngáy tay chân muốn đi hái để kiếm tiền, chứ thu nhập cũng không hơn công đi hái cà phê thuê cho người ta trong vùng bao nhiêu cả”...

Mang chiến lợi phẩm sau mỗi ngày săn kiếm về buôn.

Mang chiến lợi phẩm sau mỗi ngày săn kiếm về buôn.

Được biết, thương lái ở Đà Lạt thường tìm mua quả thông tươi ở Đơn Dương đưa về Đà Lạt phơi khô để quả thông bung nở đều có màu hổ phách rất thơm và đẹp; sau đó phân loại để bán cho các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, hoặc bán cho các cơ sở để chế biến, sản xuất thành những vật lưu niệm và bán ra thị trường...

Lão nông Kơ Ho cười rất tươi, đôi mắt sáng ngời hiện rõ trên gương mặt sạm nắng, khắc khổ, bởi tháng ngày quen với vất vả của cái nghề cực nhọc, nguy hiểm này. Lão nói: “Vui nhất là cứ sau cuối mỗi ngày lao động, gom quả thông lại cho vào bao tải chở về xã  cân cho thương lái và... lấy tiền. Trung bình mỗi ngày lao động, trừ chi phí xăng xe, cơm nước, mỗi người thu nhập khoảng 200.000-300.000 đồng...”.

Rời Đơn Dương trong một chiều cuối đông giá lạnh, một lớp sương mù dày bao phủ làm cho những rừng thông xanh như ảm đạm, lạnh lẽo hơn. Ngoái lại phía sau, tôi chợt rùng mình, trên những cánh rừng thông đại ngàn ẩm ướt kia; ở buôn làng còn khó khăn này có những con người lầm lũi tháng ngày đánh đu số phận với cái nghề “hái lộc rừng” hết sức bấp bênh, khó lường nguy hiểm...


Bài và ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH