Mưu sinh cùng rong biển

26-04-2022 18:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghề hái rong biển (rong mơ) ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đã bắt đầu nhộn nhịp vào mùa. Công việc lắm nhọc nhằn nhưng cũng mang lại đời sống ấm no cho nhiều gia đình.

"Món quà" từ biển

Những ngày này, trên nhiều bãi cát ven biển phía Bắc Nha Trang (Khánh Hòa) từ tinh mơ, nhiều người đã thoăn thoắt đôi tay đảo những mẻ rong biển đang khô dần.

Có hàng chục năm gắn bó với nghề hái rong mơ trên biển, anh Lê Văn Tĩnh (Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ: "Trong tiềm thức của những người làm nghề này đều xem những chiếc thuyền thúng chở đầy rong vào bờ sau nhiều tiếng đồng hồ cực nhọc đi ngụp lặn là "món quà" của biển.

Để có được rong mơ, đàn ông trai tráng hoặc phụ nữ khỏe mạnh chèo thuyền thúng ra những khoảnh biển có rong. Sau đó thì ngụp lặn xuống để cắt rong. Găng tay và quần áo lặn phải được chuẩn bị cẩn thận. Để bớt lạnh trong nhiều giờ ngâm mình dưới nước, ngư dân còn uống thêm nhiều ngụm nước mắm làm từ chính cá cơm".

Mưu sinh cùng rong biển - Ảnh 3.

Cùng với đánh bắt thủy sản thì nhiều ngư dân ổn định đời sống nhờ rong biển.

"Nghề này thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Trung bình mỗi chuyến lặn cắt 3-6 tiếng thì uống hết khoảng hơn 200ml nước mắm. Khai thác rong cũng giống đánh cược, có chuyến thắng đậm, rong chất đầy thuyền nhưng có chuyến được rất ít, nhất là khi gặp trời mưa hay biến động của thời tiết"- anh Tĩnh bộc bạch.

Rong biển ở Khánh Hòa xuất hiện ở nhiều địa bàn khác nhau như: Cam Lâm; Cam Ranh hay Ninh Vân (Ninh Hòa)…

Mưu sinh cùng rong biển - Ảnh 4.

Rong biển được hái vào phơi trên nhiều bãi cát ven Nha Trang, Khánh Hòa trong những ngày cuối tháng 4/2022.

Lo đời sống ổn định cho 4 đứa con cũng nhờ những ngày ngâm mình cắt rong biển, ngư dân Nguyễn Văn Hậu (Ninh Hòa) tâm tình: "Mới bắt đầu vào mùa nên còn ít. Tuy nhiên cố gắng đi hái thì cũng có thu nhập. Bản thân tôi tuy có kinh nghiệm dày dặn nhưng nhiều phen cũng run cầm cập vì dưới nước lâu quá. Lúc chở rong vào đến bờ là người bủn rủn, tháo găng tay ra, da tay nhăn nheo và trắng bệch".

Nghề hái rong đòi hỏi nhiều kinh nghiệm không chỉ ngụp lặn mà cả kỹ năng thăm dò và định vị được các khoảnh biển có rong. Nếu thành thục các kỹ năng này thì trung bình mỗi chuyến ra khơi cắt rong có thể thu được 500 - 700kg rong biển tươi. Sau khi sơ chế và phơi khô còn khoảng 170 kg khô, bán được khoảng gần 1 triệu đồng.

Nhiều gia đình ngư dân ở Ninh Vân (Ninh Hòa) còn mua sắm được những vật dụng đắt tiền cũng nhờ vào những những chuyến ngâm mình cắt rong biển. Có thời điểm nhà nhà đều nói chuyện rong biển làm rôm rả cả xã đảo.

Biết ơn...

Có được sức khỏe tốt và đời sống ấm no từ việc đi cắt rong biển nên những người làm nghề này đều biết ơn "mẹ biển".

Vừa vào đất liền sau 6 tiếng ngụp lặn, anh Trần Văn Mạnh (Nha Trang, Khánh Hòa) kể: "Chuyến hái rong này thắng lợi. Rong chất đầy thuyền thúng. Ở đây ai có điều kiện thì nâng cấp lên ghe, không có điều kiện thì dùng thuyền thúng. Mỗi chuyến ra biển người dân đều trang trọng cúng biển với lời khẩn cầu cho thiên nhiên bình yên để những thợ lặn cắt được nhiều rong hơn. Sau khi đưa rong vào bờ, chọn những nơi khô, thoáng nhất trải những tấm bạt sạch sẽ và bắt đầu rải đều rong biển lên phơi cho khô".

Mưu sinh cùng rong biển - Ảnh 5.

Nhiều ngư dân dùng chính những chiếc thuyền thúng để ra khơi hái rong biển.

Bí quyết để chất lượng rong biển đảm bảo là trong quá trình phơi phải đảo liên tục. Cánh phụ nữ không ngụp lặn lâu thường được phân công ở bờ sơ chế và đảo rong biển.

Không chỉ biết ơn "mẹ biển" mà những ngư dân tham gia hái rong còn biết gắn khai thác với bảo vệ cho sự phát triển về sau. Khi khi cắt rong thì để lại gốc bám và đoạn thân dài khoảng 10 cm để duy trì sự phát triển của rong. Đặc biệt, khi sơ chế hoặc đóng bao rong đã phơi khô tuyệt đối không để đất, cát lẫn lộn vào làm ảnh hưởng đến chất lượng của rong.

Chứng kiến đời sống như cư dân xã đảo cải thiện rõ nét nhờ hái rong biển, bà Trà Thị Bông Sen - Bí thư đảng ủy xã Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết: "Nghề hái rong biển rất phát triển ở địa phương. Sức khỏe và đời sống người dân trong xã được nâng lên một phần nhờ rong biển. Đến nay, nhiều hộ ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ còn chuyển sang nghề hái rong biển. Những người đi hái rong cũng đã biết tăng năng suất bằng cách tìm hiểu kỹ xem vùng nào rong biển đã già thì hái trước. Bây giờ mới bắt đầu chớm vào vụ, sang tháng 5 thì việc lặn lấy rong biển ở địa phương sẽ nhộn nhịp".

Hái rong biển vào phơi ở ven biển ngoại ô Nha Trang, Khánh Hòa


Đông Hưng
Ý kiến của bạn