Tại một cơ sở sản xuất thuộc Xóm Đất, phường 9, quận 11 TP.HCM, chúng tôi chứng kiến một vài qui trình làm mứt. Cơ sở sản xuất công khai ngay trước mặt tiền nhà, nhiều người qua lại, lấn cả đường đi, giày dép để đầy trước ngạch cửa chen lẫn trong đống cơm dừa. Gần 10 thanh niên trai tráng ở trần, mồ hôi nhễ nhại, không găng tay, vừa hút thuốc vừa múc dừa đổ vào máy bào.
Sau khi cơm dừa được bào thành sợi, những người này lại mang đổ vào những chiếc thùng phi cỡ lớn đặt trước nhà, kế bên là miệng cống rãnh hôi thối.
Cơm dừa được ngâm trong một loại nước đặc biệt trong thùng phi, có khả năng là chất tẩy trắng. Nhìn vào thấy màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu. Một thanh niên cho chúng tôi biết, cơm dừa được ngâm như vậy cả ngày để…làm trắng sạch.
Qua tìm hiểu được biết cơm dừa này một phần được thu mua từ những người nhặt ve chai, gom rác thải. Mỗi vỏ dừa gom được, những người gom rác thải bán lại cho các cơ sở sản xuất từ 500 – 1.000 đồng/vỏ.
Kế bên cơ sở này cũng là một cơ sở sản xuất mứt khác, qui mô không kém. Theo quan sát, bên trong nhà, nhiều thùng mứt thành phẩm đã được đóng gói bao bì sẵn. Người chở hàng đến đưa hàng đi tiêu thụ liên tục. Qua trao đổi giá cả, được biết giá phân phối mứt dao động từ 30.000 – 90.000 đồng/kg tùy từng loại; như mứt dừa, giá lẻ: 85.000 đồng/500g, giá sỉ: 150.000 đồng/kg.
Việc sản xuất, gom hàng thực phẩm tết cũng diễn ra khá tấp nập tại khu Cư xá Đường Sắt (đường Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3, TP.HCM). Tại đây, nhiều lò mứt thủ công đang hoạt động nhộn nhịp. Từ đầu hẻm 290 kéo dài qua hướng đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), hàng chục hộ dân nhộn nhịp lột vỏ me, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Me sau khi lột được vứt vội vào rổ hoặc thau nhựa để trên nền đất cát bụi. Một số nam thanh niên mình trần, hì hục làm việc trong những căn nhà lụp xụp, cửa mở he hé.
Một người dân sống hơn 20 năm tại đây cho biết: “Xóm này nhỏ, dân sản xuất mứt quen nhau, nên người lạ tới là họ nghi ngay”.
Theo tìm hiểu, hầu hết trái cây được chuyển đến các lò mứt đều chưa chín, có cả trái non. Muốn ép chín, tẩy trắng sản phẩm, các chủ lò phải dùng hóa chất.
Điều đáng nói là một vài cơ sở tại các điểm nêu trên từng bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; thuê nhân công không hợp đồng lao động, không kiểm tra sức khỏe,…nhưng cứ đến hẹn lại lên, các cơ sở này vẫn tấp nập sản xuất.
Thâm nhập vào chợ
Theo ghi nhận tại chợ Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu,…các loại bánh kẹo mứt tết không nguồn gốc, nhãn mắc, không hạn sử dụng hiện đã được bày bán ngổn ngang.
Hàng trăm loại mứt tết, ô mai được bày bán...trần như nhộng, không có bất cứ thứ gì che chắn và cũng chẳng có nhãn mác gì gắn kèm. Các loại ô mai khác như bí đao, kiwi, mơ, mận,... cũng không có xuất xứ nào ngoài lời chào mời có cánh của chủ hàng.
Trong khi đó, tại nhiều chợ dân sinh, nhiều thực phẩm tết như bò khô, măng khô, lạp xưởng,... cũng được bày bán la liệt ở các quầy hàng gia vị, không đề nhãn mác xuất xứ. Điều đáng nói là vẫn có người mua hàng, bởi đơn giản giá các mặt hàng này mềm hơn nhiều so với giá bán ở siêu thị, cửa hàng lớn.
Mặt hàng giò chả là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Quỳnh, một người có thâm niên làm giò chả nhiều năm, giò chả nếu như không có độ giòn, dai thì sẽ không bán được hàng. Do đó, những người sản xuất thường cho hàn the và một ít bột tạo nạc vào để làm cho cây giò thêm thơm giòn và ngon hơn. Biết là độc hại, nhưng nếu không làm như vậy thì sẽ khó bán được hàng và lợi nhuận cũng không cao.
Trong vai một người cần đặt mua lượng mứt nhiều để chuẩn bị biếu tặng, một tiểu thương ở chợ Bình Tây giới thiệu cho chúng tôi các loại mứt giá từ hơn 100.000 đồng/kg đến loại thấp nhất 40.000 đồng/kg. Khi được hỏi vì sao mứt không có nhãn mác thì chị bán hàng hồn nhiên nói: “Nếu cần nhãn thì khi nào em mua chị bỏ vào bao rồi dán nhãn mác vào. Em thích thương hiệu gì thì chị dán vào cho em”.
Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM khuyến cáo, vào dịp Tết các cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ lại nở rộ. Vì làm thời vụ nên hầu hết các cơ sở này “phớt lờ” quy định về ATVSTP. Bởi thế, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình người tiêu dùng nên "tẩy chay" những mặt hàng không nguồn gốc, không nhãn mắc, không hạn sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, chất lượng ATVSTP tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng; về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc. Ngoài ra, chất lượng ATVSTP còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.
Theo Đất Việt