Đến với thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) những ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một khu đô thị “có một không hai” của đất nước. Đó là những “phố nhà sàn” trải dài hai bên bờ, soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Sơn La. Trên mặt hồ điểm xuyết những con thuyền đánh bắt cá, thuyền đưa du khách xuôi ngược cùng những bè cá nhấp nhô, mô hình kinh tế mới có ở phố núi này khi nước hồ dâng cao.
![]() Xã Mường Lay như “cô gái” vừa tỉnh giấc. |
“Thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi”, câu thơ hay viết về thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay) giờ đã chỉ còn là trong quá khứ. Hiện thực bây giờ là để đi giữa hai bờ của thị xã, phải mất hơn 2 phút trên những con đò máy qua chiều rộng mặt hồ nếu đi thẳng, còn theo lộ trình của bến đò là gần một cây số. Đó là bởi cây cầu Bản Xá, cầu bê tông dự ứng lực dài nhất Tây Bắc (gần 670m) vừa mới hợp long, lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2010, song do tình hình suy thoái kinh tế đã phải chậm lại tiến độ. Nhìn tổng thể Mường Lay, ai cũng phải thốt lên... thật đẹp! Song hiện tại mảnh đất này vẫn đang bề bộn như một đại công trường: toàn bộ phần kiến trúc của hệ thống công sở, giáo dục, y tế... đang xây dựng dang dở, đường phố vẫn lầy lội “mưa bùn - nắng bụi”, con người giữa hai bờ vẫn chịu “cách trở đò ngang”. Đó là bởi địa phương này vẫn đang dồn sức cho công cuộc tái thiết lại hoàn toàn đô thị sau khi tái định cư thủy điện Sơn La.
![]() Bản làng mới Mường Lay. |
Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Trong hơn 1 năm, tỉnh Lai Châu chưa có thị xã, còn thị xã Lai Châu lại trực thuộc tỉnh Điện Biên. Cái tên Mường Lay được đặt cho thị trấn nằm cách thị xã bây giờ hơn 50km, và cũng gây thảm họa cho mảnh đất chưa bao giờ bị thiên tai này bằng một trận lũ ống, trôi mất khá nhiều công trình kiến trúc. Đến tháng 3/2005, sau khi trả lại tên cho thị xã Lai Châu bây giờ, thị xã Mường Lay đã có được tên của mình như hiện tại. Ngay sau đó, Mường Lay đã không còn bị trôi mà sẽ ngập vĩnh viễn dưới lòng hồ thủy điện Sơn La khi nhà máy này tích nước.
Trong tổng số hơn 4.200 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, có tới gần 82% số hộ cùng toàn bộ các cơ quan công sở phải di dời, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện. Điều vất vả nhất đối với Mường Lay là các địa phương khác cùng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện chỉ phải tái định cư một lần, còn người dân của thị xã này do tái định cư tại chỗ (còn gọi là di vén lên cao) nên phải di dời tới 2 lần: một lần về chỗ ở tạm, chờ quy hoạch xong mặt bằng, lần hai quay về nơi ở mới cố định như hiện nay.
![]() Cầu treo Nậm Căn chỉ còn là dĩ vãng. |
Cây cầu Bản Xá nối hai bờ thị xã dự kiến ngày 6/10/2011 sẽ thông xe kỹ thuật, để đôi bờ khỏi cách trở đò ngang. Nước hồ dâng lên cũng là điều kiện để người dân sở tại phát triển các ngành nghề mới như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản - thủy cầm, vận tải thủy, du lịch sinh thái... Trước đây, các hộ dân địa phương chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, do nước dâng làm mất ruộng nên đã khá khó khăn khi chuyển đổi nghề nghiệp. Sau khi được Chính phủ ra quyết định hỗ trợ thêm 1 năm lương thực từ tháng 10/2011, thị xã Mường Lay dự kiến bằng các biện pháp cải tạo, khai hoang, trị thủy sử dụng đất bán ngập... khi hết chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 340ha để canh tác nông nghiệp, lớn hơn so với diện tích ruộng trước khi bị ngập. Như vậy, vấn đề “hậu tái định cư” coi như đã được giải quyết.
Giống như qua một giấc mơ, thị xã Mường Lay giờ tỉnh giấc, bỗng thấy mình ở một nơi lạ lẫm, trên bến dưới thuyền. Những ngôi nhà sàn, nhà xây cao tầng kiên cố soi bóng xuống lòng hồ huyền ảo. Người dân giờ đi làm nương, đi chở củi hay đến thăm nhau cũng bằng thuyền, tự dưng thấy... lạ. Cũng chẳng ai ngờ rằng nước sông Đà có thể lại dâng cao đến thế. Bề bộn, vất vả, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của miền đất sơn thủy này đang gắng sức cho một cuộc thay đổi mang tính lịch sử, làm mọi cách có thể, để vĩnh viễn phố núi này mất đi cái tên “Mường Trôi”.
Bài và ảnh Chu Quốc Hùng