Mường Then và quả bầu thời Hồng thủy

26-08-2011 15:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nói đến Điện Biên Phủ, khắp thế giới đều biết đó là nơi diễn ra chiến thắng vang dội mở màn cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân toàn cầu. Ít ai ngờ phủ Điện Biên (tên đặt 1841, thời Thiệu Trị) có tên gốc là Mường Then còn là một vùng kinh tế văn hoá Thái Tây Bắc,

Nói đến Điện Biên Phủ, khắp thế giới đều biết đó là nơi diễn ra chiến thắng vang dội mở màn cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân toàn cầu. Ít ai ngờ phủ Điện Biên (tên đặt 1841, thời Thiệu Trị) có tên gốc là Mường Then còn là một vùng kinh tế văn hoá Thái Tây Bắc, đặc biệt có cánh đồng thung lũng dài 15km, rộng 5km, vựa lúa được truyền tụng trong dân gian với câu: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Then, tứ Tấc” .

Mường Then nghĩa là gì? Mường là chỉ một vùng có thể to hay nhỏ đặt dưới quyền một tạo mường dòng dõi quý tộc. Then chỉ ông trời, vậy là vùng đất ông trời tạo ra, mảnh đất lý tưởng, thịnh vượng, thanh bình. Rồi sau, do kiêng kỵ hay do lý do nào khác, chuyển sang chữ Nôm: Mường Then đổi thành Mường Thanh.

Mường Then có một nền văn hoá dân gian phong phú: Chi hội văn học nghệ thuật Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên (trước là Lai Châu) đã hoàn thành công trình sưu tầm nghiên cứu Huyền thoại Mường Then. (Đặng Thị Oanh chủ biên). Tôi đặc biệt chú ý đến những truyện về sự tạo ra vũ trụ và con người, có những nét giống nhiều dân tộc trên thế giới. Truyện kể rằng Then sai các Chô Công xuống Mường Then xây dựng vũ trụ. Ông thứ nhất lấp hồ đào ruộng, ông thứ hai đào khe vực, ông thứ ba dựng núi đồi. Ông thứ tư rắc đất tốt vào thung lũng, ông thứ năm làm ra mưa nắng, gió bão, sấm sét, vợ ông tô điểm thêm bằng mây lơ lửng. Sau hết, ông làm đất và bà xây rừng mới đem người xuống: 10 giống Xá và 5 giống Thái.

Khởi đầu, vũ trụ tối tăm, trời đất còn nối liền nhau. Ở hồ U về phía Bắc Mường Then có dây leo nối trời với đất. Lúc đó, mặt đất tối om, nhìn lên, trời chỉ to bằng chiếc hoa nấm. Có một bà già chặt đứt dây leo, làm trời vút  lên tít cao rộng mênh mông, còn các nơi khác tụt xuống thấp như bây giờ.

Trời đất tách khỏi nhau thì hạn hán hoành hành, cỏ cây vàng héo, dòng sông Đà cạn bằng chiếc que, sông Mã thành vũng nhỏ, sông Nậm Rốm phơi cát trắng. Người đi buôn chết giữa đường, người già chết vì thèm cá, người làm ruộng chết vì thèm con bọ niễng ở ruộng. Mai rùa nứt nẻ, sừng hươu nhăn nheo, gà rừng im gáy, vượn thôi hú, chim không còn cây làm tổ.

Sau hạn hán là nạn hồng thủy, trần gian ngập trong biển nước. Chuyện kể ngày xưa có hai anh em mồ côi, một hôm vào rừng đuổi bắt con dũi, nó chui vào hang, xin tha mạng và báo cho hai anh em sắp có trận lụt lớn. Dũi khuyên họ chui vào quả vả, trong để đồ ăn uống 7 ngày 7 đêm, các muông thú từng đôi đực cái. Quả nhiên, có mưa to gió lớn, nước ngập trần gian. Khi tạnh, mọi vật chết hết, trừ hai anh em và muông thú trong quả vả. Anh định lấy em làm vợ, em không chịu. Anh em đành chia tay nhau, đi hai ngả tìm bạn đời. Đi mãi hai anh em lại gặp nhau. Thấy hai con châu chấu nhảy nhau, hỏi cách làm cho loài người khỏi tuyệt chủng. Châu chấu đáp là Then đã quyết định hai anh em phải lấy nhau. Em không chịu. Họ trồng hai cây tre trên hai sườn núi, tre lớn lên hai ngọn lại giao nhau. Họ tung hai tảng đá lên trời, đá rơi xuống lại úp lên nhau. Biết mệnh giời, hai anh em đành lấy nhau. Em có mang, đẻ ra hai quả bầu. Một hôm vợ giã gạo, vứt chày xuống làm vỡ một quả bầu, làm tung ra các hạt giống và các muông thú. Người chồng lấy dùi nung đỏ đục quả bầu thứ hai: người lúc nhúc chui ra, ra trước là người Xá, dính nhiều tro than nên da đen, rồi đến người Lự, người Thái, người Lào, người Kinh ra sau, ít bị than nên trắng nhất. Có dị bản kể là Then thả quả bầu xuống Mường, trong quả bầu có muôn loài, có các giống người Xá, Thái, Kinh…

Huyền thoại quả bầu Mường Then hẳn là ra đời sau huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ (đẻ ra bọc trăm trứng, nở trăm người con, không nói rõ từng dân tộc). Nạn hồng thuỷ là căn nguyên cho huyền thoại của nhiều dân tộc cùng một mô típ nước lũ tiêu diệt loài người chỉ để một gia đình thoát chết cùng hạt giống và từng đôi giống của muôn loài, để tái sinh sự sống trên trái đất. Điển hình nhất là sự tích nạn Hồng thuỷ trong Kinh Thánh: Nô-ê cùng gia đình và các đôi muông thú sống sót trong một con tầu, nguồn truyện từ miền Lưỡng Hà. Huyền thoại Ấn Độ kể là thần Visnu hoá phép thành cá để báo cho Manu, người đầu tiên biết về luồng thuỷ và đưa tàu của y lên núi phương Bắc. Trong huyền thoại Hy Lạp, chỉ có Deucaléon và vợ đóng tàu sống sót và lại sinh tiếp loài người. Truyện Hồng thủy ít gặp ở châu Âu, chỉ phổ biến ở châu Á, Úc, Mỹ.

Ý nghĩa tượng trưng của nạn Hồng thủy là phải tiêu diệt hoàn toàn cái cũ đã tồi tệ để tạo ra cái mới tốt đẹp hơn, phải hủy diệt con người tội lỗi, đạo đức suy đồi, phỉ báng thánh thần bị đấng thiêng liêng trừng phạt để tạo ra một nhân loại mới tốt đẹp hơn. Truyện của Mường Then cũng nằm trong ý nghĩa chung đó.

Truyện Hồng thủy thường gắn với truyện một châu lục bị chìm xuống  đáy biển, thí dụ đảo lớn Atlantide có xã hội thanh bình bị chìm xuống Đại Tây Dương. Bác sĩ người Anh - Stephen Oppenheimer đã đưa ra một giả thuyết khoa học được chú ý: Đông Nam Á trước là một châu lục lớn bằng Bắc Mỹ, bị hồng thuỷ làm chìm xuống, châu lục này là cái nôi của văn hoá nhân loại chứ không phải các trung tâm khác như: Ai Cập, Hy Lạp, Lưỡng Hà, Ấn Độ hay Trung Quốc.  

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn